Dù có phạm phải một số sai lầm, nhưng những di sản mang thương hiệu “Merkel” của bà vẫn có ảnh hưởng lâu dài ở Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Những quyết định đi vào lịch sử
Ngày 8-10-2008, Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra một tuyên bố đi vào lịch sử: “Chúng tôi có thể nói với những người gửi tiết kiệm rằng, tiền gửi của họ sẽ được an toàn. Chính phủ liên bang bảo đảm điều này”. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính nhen nhóm ở Mỹ bắt đầu tấn công nước Đức với mục tiêu đầu tiên là Ngân hàng đầu tư bất động sản Hypo Real Estate. Nhằm cứu ngân hàng này trước nguy cơ phá sản, Chính phủ, một số ngân hàng và công ty bảo hiểm Đức đã chấp thuận kế hoạch giải cứu trị giá 50 tỷ euro (68 tỷ USD). Cùng với Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrück khi đó, Thủ tướng Merkel đã bảo lãnh cho tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm để tránh tình trạng trốn nợ. Nhờ đó, bà Merkel đã bảo vệ thành công các ngân hàng Đức.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là bài kiểm tra năng lực đầu tiên mà bà Merkel phải đối mặt. Với sự phản ứng nhanh nhạy, bà Merkel đã đưa nền kinh tế Đức phục hồi nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc, khiến người dân nước này chưa kịp cảm nhận về một “trận động đất” đang làm rung chuyển thị trường chứng khoán thế giới. “Thủ tướng Merkel đã đưa Đức trở thành hòn đảo thanh bình trong một thế giới không chắc chắn”, tờ Le Monde nhận xét.
 |
Người di cư cầm bức ảnh của Thủ tướng Angela Merkel với sự biết ơn. Ảnh: AFP |
Khi đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2009, Thủ tướng Merkel giữ nguyên quan điểm “từ bỏ năng lượng hạt nhân” của người tiền nhiệm nhưng bà vẫn chưa sẵn sàng cho việc thay thế bằng năng lượng tái tạo. Nữ thủ tướng cho rằng, cần ít nhất hai thập kỷ để mặt trời và gió trở thành nguồn năng lượng cung cấp điện cho một quốc gia công nghiệp phát triển. Vì vậy, bà Merkel cho rằng, điện hạt nhân đóng vai trò sống còn như một “công nghệ bắc cầu”.
Chưa đầy một năm rưỡi sau, vào ngày 11-3-2011, thảm họa kép động đất-sóng thần đã gây ra tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Chỉ 3 ngày sau, các nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của Đức bị đóng cửa. Trong suốt mùa hè năm 2011, 8 nhà máy điện hạt nhân của Đức đã bị ngắt kết nối vĩnh viễn khỏi lưới điện quốc gia, trong khi các nhà máy còn lại bị rút ngắn tuổi thọ một cách đáng kể.
Giải thích cho sự thay đổi bước ngoặt này, bà Merkel cho biết, vụ tai nạn diễn ra ở một quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản đã làm thay đổi quan điểm của bà về năng lượng hạt nhân. Vì thế, bà kêu gọi chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Quyết định của bà Merkel đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của toàn thế giới, góp phần nâng vị thế của Đức trên trường quốc tế với tư cách là quốc gia tiên phong trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Vị cứu tinh của đồng euro và người tị nạn
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cơn địa chấn toàn cầu, nhưng nó chỉ là khúc dạo đầu ở châu Âu, chính xác hơn là đối với Eurozone. Cho đến thời điểm đó, đồng euro vẫn được coi là công trình thế kỷ ở “lục địa già”, nhưng sự tồn tại hết sức mong manh.
Chuyện gì đã xảy ra? Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các quốc gia thành viên EU đứng trước nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của các khoản nợ mà họ đã ký để cứu các ngân hàng. Trong khi Đức thành công nhờ chính sách tài khóa vững chắc và nền kinh tế tốc độ cao thì Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đặc biệt là Hy Lạp lại không may mắn. Với vai trò là quốc gia đầu tàu của EU, Đức không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi “nếu đồng euro thất bại nghĩa là châu Âu thất bại”, như bà Merkel tuyên bố.
Dưới sự điều hành của bà Merkel, Đức đã đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh Chính phủ Berlin vừa phải áp đặt biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, vừa thực hiện cải cách đồng thời áp dụng chính sách cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Song song các biện pháp trên, Đức đã thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu. Với kỹ năng đàm phán và sức bền trong các “cuộc chạy marathon” ở Brussels, bà Merkel đã cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ ra khỏi Eurozone.
Châu Âu không thất thủ trước “cơn bão” tài chính, nhưng lại suýt chìm đắm trong cuộc khủng hoảng di cư nếu không có sự quyết đoán của bà Merkel. Theo AFP, trong 10 năm đầu tiên làm thủ tướng, bà Merkel ít quan tâm đến người tị nạn, nhưng tất cả đã thay đổi vào đêm 5-9-2015. Vào thời điểm đó, đã có lúc, hàng nghìn người di cư tìm đủ cách để đến Đức qua tuyến đường Balkan. Trong bài viết đăng ngày 15-9 mới đây, tờ Le Monde viết: "Khi thấy dòng người di cư đi bộ tới biên giới Hungary, Thủ tướng nước này Viktor Orbán đã gọi điện trao đổi với Thủ tướng Áo Werner Faymann. Ông Faymann sau đó đã gọi điện tham khảo ý kiến của bà Merkel. “Hãy để họ đến”, bà Merkel nói với ông Faymann. Đức và Áo thỏa thuận sẽ chia sẻ khó khăn với người tị nạn. Sau đó, cả EU phải vào cuộc khi khủng hoảng di cư lên tới đỉnh điểm".
Việc EU chào đón hàng triệu người tị nạn từ Syria, Iraq, Afghanistan và các nơi khác trong năm 2015 và 2016 được xem như quyết định quan trọng nhất và được ca ngợi nhất của bà Merkel. Nó đã thay đổi châu Âu, thay đổi nước Đức và hơn hết là thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt ở các nước Đông Âu, phẫn nộ với bà Merkel vì đã cố gắng áp đặt chính sách tị nạn “hào phóng” của bà cho toàn bộ EU. Chính những bất đồng này đã làm hồi sinh chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu.
Trong 16 năm cầm quyền, tuy còn một số khiếm khuyết nhưng những di sản mà Thủ tướng Merkel để lại một "gia sản" lớn cho nước Đức và đó là thách thức lớn đối với người kế nhiệm.
LINH OANH