Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học khí tượng Trung Quốc thực hiện chỉ ra nguy cơ vịnh Bengal, Philippines và biển Caribe đều có khả năng hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trước tháng 6 năm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân ở các khu vực khác sẽ không bị ảnh hưởng. Nghiên cứu cũng cảnh báo 90% khả năng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu sẽ phá kỷ lục xảy ra trong cùng thời kỳ.

El Nino là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự khác biệt về khí hậu trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, vùng nước ấm hơn làm tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hằng năm, thay đổi hình thái khí hậu trên toàn thế giới.

Khi thế giới trải qua những đợt tăng nhiệt độ trung bình thậm chí rất ít, một số khu vực cũng sẽ chứng kiến các đợt nắng nóng cực độ tại địa phương gia tăng đáng kể. Nghiên cứu mới cho thấy sự khác biệt giữa nhiệt độ trung bình khu vực từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024 và nhiệt độ trung bình giai đoạn 1951-1980.

leftcenterrightdel
Trên bản đồ này, các vùng màu đỏ đậm hơn sẽ chứng kiến sự biến đổi cao hơn nhiệt độ trung bình. Ảnh: Scientific Reports 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong kịch bản hiện tượng El Nino xảy ra vừa phải, vịnh Bengal, Philippines và biển Caribe đều sẽ có nhiệt độ cao kỷ lục hơn 1°C trên mức trung bình. Tuy nhiên, trong kịch bản El Nino xảy ra mạnh, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng tác động sẽ còn rõ rệt hơn. Nếu điều này xảy ra thì các khu vực Alaska, Amazon và Biển Đông cũng sẽ đạt nhiệt độ kỷ lục. Ở Alaska, nhiệt độ tăng đột biến này sẽ cao hơn mức trung bình giai đoạn 1951-1980 tới 2,4°C.

Các nhà nghiên cứu cho biết, El Nino mạnh có thể khiến nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng nhanh, có khả năng vượt mục tiêu đầy tham vọng 1,5°C của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong một thời gian ngắn. Điều đáng lo ngại là những mô hình này cũng cho thấy thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ở Alaska, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nguy cơ tan chảy sông băng hoặc lớp băng vĩnh cửu có thể dẫn đến mực nước biển dâng cao hoặc nhiệt độ tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Còn ở Amazon, các đợt nắng nóng cực độ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng do hạn hán, tương tự như những đợt tàn phá các khu rừng nhiệt đới rộng lớn vào năm 2019.

MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.