Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) công bố ngày 19-7, ADB dự kiến lạm phát của khu vực các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á là 3,6%, thấp hơn mức dự báo 4,2% được đưa ra tháng 4 vừa qua. ADB nhận định lạm phát sẽ tiếp tục giảm về gần mức trước đại dịch Covid-19 do giá nhiên liệu và lương thực giảm.

leftcenterrightdel
Công nhân may quần áo xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên. 

Bên cạnh đó, ADB vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á ở mức 4,8% trong năm nay, do nhu cầu tại thị trường nội địa phát triển mạnh hỗ trợ sự phục hồi của khu vực.

Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của châu Á. Nền kinh tế của quốc gia 1,4 tỷ dân được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo. Dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Albert Park nhận định, châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế đối với hầu hết các khu vực ở châu Á và Thái Bình Dương, chỉ có Đông Nam Á, Caucasus và Trung Á có điều chỉnh giảm nhẹ. Trong đó, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á năm 2023 được dự báo là 4,6% và năm 2024 là 4,9%, do nhu cầu đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu trên toàn cầu suy yếu.

Đối với Việt Nam, ADB đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất là 5,8% trong năm nay và 6,2% trong năm tới. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó hồi tháng 4. ADB lý giải tăng trưởng của Việt Nam chậm lại một phần do nhu cầu bên ngoài suy yếu gây áp lực cho ngành sản xuất công nghiệp và chế biến, chế tạo. Tuy nhiên có thể thấy trong báo cáo mới nhất này, con số dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn giữ ở tốp đầu trong khu vực châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Philippines. Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% vào năm 2023 và 2024.

ADB cho rằng, nếu các nền kinh tế phát triển trên thế giới kiểm soát lạm phát nhanh hơn so với dự kiến hiện nay, những nước này khả năng sẽ áp dụng chính sách tiền tệ ôn hòa hơn, giúp hỗ trợ tăng trưởng của khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cảnh báo xung đột Nga-Ukraine leo thang có nguy cơ khiến giá nhiên liệu tăng, trong khi hiện tượng El Nino trở lại năm nay có thể gây tổn hại các nền kinh tế.

NGỌC HÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.