Gần 2.900 bệnh nhân được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí

Những ngày này, nếu đi dọc theo Quốc lộ 40 hướng đến địa danh "ngã ba Đông Dương" tại xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, sẽ thấy rợp bóng cờ đỏ sao vàng hai bên đường. Để chuẩn bị cho Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất, bên cạnh trang trí khánh tiết, chỉnh trang cảnh quan môi trường, chuỗi hoạt động bên lề cũng được chuẩn bị rất chu đáo, trong đó nổi bật là hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí và trao học bổng, bò giống tặng nhân dân khu vực biên giới 3 nước.

 

 

 Người dân được các bác sĩ thăm khám, tư vấn tận tình, trách nhiệm. 

Từ ngày 3 đến 6-12, hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới đã được tiến hành trên địa bàn 4 huyện gồm: Oyadav (Ratanakiri, Campuchia); Đức Cơ (Gia Lai, Việt Nam); Sanxay (Attapeu, Lào) và Ngọc Hồi (Kon Tum, Việt Nam).

Chia sẻ về kết quả của hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, Đại tá Lê Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết: Cục Quân y Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Quân y QĐND Lào và lực lượng quân y Quân đội Hoàng gia Campuchia thực hiện chương trình khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới 3 nước. Tính đến hết ngày 6-12, chương trình đã thành công với gần 2.900 bệnh nhân được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, góp phần tạo điều kiện cho bà con ở vùng sâu, vùng xa được chăm sóc y tế tốt hơn.

Để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân

Thực tế, nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn biên giới chưa từng có cơ hội tiếp cận với y tế chất lượng cao. Bởi vậy, khi hay tin đoàn quân y tới khám bệnh, có người đã vượt đèo, lội suối hàng chục cây số đến đăng ký khám.

Anh Aphon, 35 tuổi dắt theo hai con đến khám bệnh. Cháu nhỏ nhà anh mới 1 tuổi, khóc liên tục không ngừng. Bé bị sốt, viêm họng và nổi mẩn đỏ khắp người. “Sau khi khám và phát thuốc, các bác sĩ cũng tư vấn về dinh dưỡng, dặn tôi nên cho con ăn uống và vệ sinh đúng cách để bảo đảm sức khỏe cho cháu. Các bác sĩ không chỉ tận tình, trách nhiệm mà chuyên môn cũng rất cao”, anh chia sẻ.

 Bà con đến khám bệnh đều được cấp thuốc và hướng dẫn sử dụng. 

Đi cùng đoàn quân y 3 nước trong chuỗi hoạt động khám, chữa bệnh lần này, chúng tôi có thể cảm nhận rõ sự tận tâm, nhiệt tình của các y, bác sĩ quân y. Từ tờ mờ sáng, hoạt động chuẩn bị cho công tác khám, chữa bệnh đã bắt đầu. Có những buổi, số lượng bệnh nhân xếp hàng đến khám liên tục tăng, gần như không có giờ nghỉ. Đến cuối trưa, các bác sĩ chỉ kịp ăn vội suất cơm cùng đồng nghiệp, sau đó lại trở về tiếp tục công việc. Một ngày làm việc của họ không còn là trong khung giờ hành chính, mà là khi không còn bệnh nhân nào nữa thì mới kết thúc khám bệnh.

Cũng nhờ sự tận tâm và trách nhiệm, các bác sĩ quân y đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu, qua đó kịp thời tư vấn và cấp thuốc cho bà con để có thể can thiệp điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn. “Có trường hợp bà con đến khám bị đục thủy tinh thể. Đây là căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên đa số bà con đến đây đều có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tôi đã kê đơn thuốc và giới thiệu một số đơn vị phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí tại tỉnh Kon Tum. Hy vọng họ sẽ sớm tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt”, Đại úy Nguyễn Thái Nam, bác sĩ Khoa Mắt của Bệnh viện Quân y 87 (Tổng cục Hậu cần) cho hay.

Với tấm lòng luôn hướng về người dân cùng thái độ làm việc tận tình, trách nhiệm, các y, bác sĩ quân y đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Điểm tựa cho người dân vùng biên

Những ngày đầu tháng 12, mặc cái nắng rát táp vào mặt, nụ cười vẫn nở trên môi những người nông dân nghèo nơi vùng biên. Ngay từ sáng sớm, hội trường UBND xã Pờ Y đã chật kín người. Ngoài các học sinh được trao tặng học bổng còn có đại diện các hộ gia đình đến bốc thăm nhận bò giống.

Anh Kongchay, người dân bản Phoukeua, huyện Phouvong, tỉnh Attapeu, Lào, lật đi lật lại tờ giấy bốc thăm như không tin ở mắt mình. Gia đình anh vốn đông con, vợ lại đau ốm luôn nên kiếm được bao nhiêu tiền thì đều dùng vào chữa bệnh, hiện nay kinh tế gia đình rất khó khăn. Con bò được trao lần này là tài sản quý với gia đình anh. Anh hy vọng nó sẽ giúp gia đình phát triển kinh tế, thoát nghèo đói. “Đây thực sự là tài sản mang nhiều ý nghĩa với gia đình tôi”, anh Kongchay xúc động chia sẻ.

 Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng trao bò giống tặng anh Kongchay.

Cũng giống anh Kongchay, chị Ypin, 28 tuổi, người dân tộc Ca Dong, sống tại xã Pờ Y, không giấu nổi niềm vui khi được chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trao tận tay con bò giống khỏe mạnh. Với con bò này, chị hy vọng cuộc sống của gia đình sẽ vơi bớt khó khăn. Gia đình chị Ypin chỉ có hai mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Mẹ chị nay đã 70 tuổi, thường hay đau yếu. Kinh tế gia đình trông cả vào chị Ypin. Ngoài trồng sắn, chị còn đi làm thuê để có đủ tiền mua gạo, mua thuốc cho mẹ. Với chị, con bò giống không chỉ là tài sản quý giá mà nó còn giúp chị nhen lên ước mơ thoát nghèo.

Nếu bò giống là chìa khóa xóa nghèo thì học bổng “Nâng bước em đến trường” lại là chiếc chìa khóa mở ra tương lai cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học tại khu vực biên giới 3 nước. Bà Y Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Chương trình không chỉ là điểm tựa cho các em có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập và thực hiện ước mơ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội mà còn góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường tình đoàn kết gắn bó quân-dân cũng như thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, lực lượng và nhân dân có chung đường biên giới”.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã trao tổng cộng 200 suất học bổng tặng 200 học sinh và 40 con bò giống tặng các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapeu (Lào).

Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm giúp nhân dân hai bên biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và cũng động viên, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân biên giới, nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia.

Bài và ảnh: NGỌC THƯ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.