Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):

Đánh giá khác nhau về mỗi Bộ trưởng

QĐND - Tôi cảm nhận và đánh giá có phần khác nhau về mỗi phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành. Cụ thể, tôi thấy Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tương đối rõ, nêu được những vấn đề chính. Ví dụ như vấn đề giải quyết những bức xúc cho nông dân hiện nay. Lao động trong nông nghiệp rất lớn, nếu giải quyết được vấn đề nông dân, tức là giải quyết được vấn đề kinh tế của đất nước. Đồng chí Cao Đức Phát đã nêu được vấn đề gốc là quy hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa khoa học, công nghệ vào ứng dụng trong sản xuất…

Đại biểu Bùi Thị An bên lề Quốc hội, ngày 14-6. Ảnh: CT.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khi đi vào những vấn đề cụ thể thì đều đã trả lời được, nhưng tôi vẫn thấy hơi dài dòng, đáng ra có thể ngắn gọn hơn để đại biểu có điều kiện trao đổi và chia sẻ với bộ trưởng nhiều vấn đề hơn.

Với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, vì lĩnh vực quản lý quá rộng, quá nhiều bức xúc nên phần trả lời cũng có phần chưa được rõ, cần trả lời rõ hơn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nắm được vấn đề. Chỉ có điều, giải pháp đã đưa ra rồi nhưng nên cụ thể hơn, nên có tập trung hơn và đi vào phần gốc nhiều hơn.

NAM THANH (lược ghi)

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Nên cải tiến các phiên chất vấn

Điều quan trọng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều là cách chất vấn như hiện nay đã bộc lộ vấn đề. Thứ nhất, tầm các Bộ trưởng không giải quyết được những vấn đề căn bản mà đời sống đang bức xúc. Tôi cho rằng, nên tăng cường việc chất vấn Bộ trưởng dưới nhiều hình thức khác nhau giữa hai kỳ họp. Chúng ta đã mở ra rất nhiều kênh truyền thông, các hình thức trực tuyến… để giải quyết rất cụ thể những vấn đề của một ngành cụ thể. Còn mỗi kỳ họp có thời hạn như thế, những phiên chất vấn tập trung ở hội trường nên chọn một vài chủ đề và ít nhất phải là Phó thủ tướng hoặc Thủ tướng đứng ra trả lời chất vấn.

Đại biểu Dương Trung Quốc bên lề Quốc hội, ngày 14-6. Ảnh: CT.

Như thế sẽ giải quyết được các bước căn bản, trọng lượng của lời hứa mang tính khả thi hơn. Ví dụ, bàn về tai nạn giao thông, không phải chỉ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chắc chắn là Bộ trưởng Bộ Công an có vai trò rất lớn, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề phân bổ ngân sách, các chính sách lệ phí… Hay vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm không phải chỉ liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà còn liên quan tới Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Vì vậy, Phó thủ tướng phụ trách nên đứng ra giải trình với một dàn Bộ trưởng có liên quan. Như thế, mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ đề cập một vấn đề nóng, bức xúc, giải quyết được căn bản hơn.

CHIẾN THẮNG (lược ghi)

Ông Thái Văn Thịnh, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng:

Việc làm và thu nhập của công nhân còn nhiều khó khăn

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của các cử tri, nhất là trong vấn đề giải quyết việc làm và các chế độ, chính sách đối với công nhân, người lao động. 

Tuy nhiên, vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của công nhân lao động, nhất là công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tính riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì từ đầu năm đến nay đã có 1.130 lao động mất việc và thiếu việc làm; mỗi năm mới chỉ có 1,5% lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, quy mô đào tạo nhỏ, chất lượng đội ngũ giáo viên còn yếu và thiếu, 83% người thiếu việc làm hiện đang sinh sống ở nông thôn. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động ở cơ sở chưa được đầu tư thỏa đáng; chênh lệch tiền lương của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nợ đọng, tránh né đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa có chiều hướng giảm, đến nay, số nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã lên đến hàng tỷ đồng. Công tác bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động tuy có tiến bộ, nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra, gây nhiều tổn thất nặng nề cho người lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; chưa có những chế tài cụ thể cũng như chưa có sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ phía cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp về kinh phí, con người trong công tác này. Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và hiểu biết pháp luật của người lao động chưa cao. Trên cương vị là “tư lệnh” của ngành, chúng tôi mong muốn thời gian tới, Bộ trưởng sẽ có nhiều giải pháp thiết thực hơn nhằm tháo gỡ những khó khăn trên.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG (ghi)

Cử tri Nguyễn Khanh, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ:

Cần giải pháp mang tính đột phá 

Ngày 14-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, cá nhân tôi nhận thấy ông đã “ghi điểm” đối với cử tri.

Với cách trả lời khá lưu loát, trực diện, không vòng vo, cử tri đã thấy được những điểm sáng và những mặt còn hạn chế cùng sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực của ngành kiểm sát. Cử tri cũng hài lòng với việc Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa dân sự vì bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực với các bản án dân sự, phần nào xua tan định kiến “án dân sự xử sao cũng được”. Ngoài ra, Viện trưởng đi thẳng vào vấn đề khá hóc búa mà đại biểu chất vấn và cử tri quan tâm là dư luận cho rằng xử không nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng. Thừa nhận thực tế này, Viện trưởng lý giải bằng các căn cứ pháp lý đã làm nguội bớt hoài nghi về việc “có vấn đề” trong việc xử lý các tội phạm. Đặc biệt, Viện trưởng viện dẫn quy định chung của Bộ luật Hình sự là có nhiều tình tiết giảm nhẹ được vận dụng để xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng để xem xét mức án và có thể xử lý dưới khung hình phạt và cho hưởng án treo.

Đặc biệt, “Tư lệnh” ngành kiểm sát đã chỉ đạo toàn ngành không áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ là “nhân thân tốt” và “phạm tội lần đầu” đối với người phạm tội án tham nhũng. Ông cho rằng, người phạm tội tham nhũng đều là người có chức vụ, quyền hạn nên vấn đề “nhân thân tốt” và “phạm tội lần đầu” là đương nhiên, là yêu cầu tối thiểu để “có chức vụ, quyền hạn”. Đây là một trong những động thái thể hiện tính cương quyết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, được cử tri hoan nghênh, đồng tình.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy ngành kiểm sát còn có những hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đó là chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa chưa cao, thời gian xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng còn kéo dài, nguồn nhân lực còn thiếu. Chất lượng kiểm sát các bản án còn thấp qua con số còn hàng nghìn bản án tuyên không rõ, dẫn tới không thi hành được; một số vụ án hình sự xử đi xử lại nhưng vẫn chưa xử được. Cần những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục những mặt yếu kém này.

HỒNG HIẾU (ghi)

Cử tri Huỳnh Văn Hoàng (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ):

Cần điều chỉnh chính sách dạy nghề cho nông dân

Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề đào tạo nghề chúng tôi nhất trí với Bộ trưởng cho rằng, trong đào tạo nghề, Nhà nước đầu tư không ít, chính sách không thiếu song lao động nghề vẫn không hiệu quả khi chưa đáp ứng nhu cầu thị trường cả về số lượng lẫn chất lượng.

Lâu nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, một khu vực chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, thủy sản cũng được đầu tư rất nhiều cho đào tạo nghề nông thôn. Rất nhiều huyện được đầu tư trung tâm dạy nghề lên đến cả chục tỷ đồng, được trang bị máy móc, nhà xưởng, đồ dùng dạy nghề… Tuy nhiên, trái với sự hoành tráng của các trung tâm dạy nghề là sự heo hút, lạnh tanh khi rất ít thanh niên các địa phương đăng ký học nghề. Đi tìm hiểu nguyên nhân từ những thanh niên đã được học nghề đều nhận được cái lắc đầu ngao ngán, họ than rằng, học nghề tuy được hỗ trợ kinh phí nhưng học ra không biết áp dụng như thế nào? Kiếm sống bằng nghề đã học cũng không được vì thiếu việc làm, không đúng thực tế ở địa phương, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế nhiều ngành nghề như: Sửa xe, sửa máy nổ, lái xe, may, thêu cũng thu hút được nhiều thanh niên nông thôn nhưng khi học ra thì không làm được do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu việc làm, không có đầu ra… gây chán nản. Trong khi đó những việc làm bằng chân tay như: Đi cắt lúa thuê, làm thợ xây, thợ hồ vừa dễ làm, tiền công cũng được trả cao hơn khi làm nghề đã học. Chính vì vậy, sau nhiều tháng học cơ bản khi ra trường thanh niên nông thôn lại trở về với ruộng lúa, vườn rau, không phát huy được những nghề mình đã học.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy sự bất hợp lý trong công tác chọn nghề để dạy cho thanh niên nông thôn. Thay vì học những nghề gắn bó với họ, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật các nghề liên quan đến nông nghiệp, thủy sản thì lại dạy những nghề chỉ phù hợp với thành thị như: Sửa xe, lái xe, may thêu, đan lát…

Để dạy nghề hiệu quả hơn, chúng tôi đề nghị, các cấp, các ngành, nhất là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có danh mục cụ thể đào tạo nghề cho nông thôn, thành thị; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để người học nghề có thể vay vốn mở rộng cơ sở làm ăn. Các địa phương cũng cần tìm hiểu xem nghề nào phù hợp với thanh niên nông thôn mình để định hướng cho họ trước khi đăng ký học nghề. Có như vậy mới tránh được tình trạng dạy thì nhiều, áp dụng, phát triển nghề chẳng được bao nhiêu.

NGUYỄN BÁ (ghi)

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau):

Sẽ tiếp tục truy vấn nếu Bộ trưởng thất hứa

Tôi thấy rằng, những vấn đề đặt ra của các đại biểu đều bám đúng trọng tâm mà cử tri đang quan tâm. Tuy nhiên, tôi cũng mong các bộ trưởng trả lời gọn hơn, tóm lược vấn đề để có nhiều đại biểu được hỏi hơn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng bên lề Quốc hội, ngày 14-6. Ảnh: CT.

Riêng về phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tôi rất hài lòng. Tôi có chất vấn 2 vấn đề. Một là rút ngắn khoảng cách 3 Tây: Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, và làm thế nào giải quyết được mong muốn của Bác, miền ngược tiến kịp miền xuôi. Những vấn đề này, Bộ trưởng đã nêu lồng ghép nhiều giải pháp. Nội dung thứ hai là một số người có công bị thất lạc hồ sơ thực sự nên chưa được hưởng chính sách. Bộ trưởng đã cam kết, tới đây, trong hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Người có công sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Tôi cũng đang trông chờ. Nếu thực hiện được như vậy, những trường hợp còn sót sẽ được giải quyết chính sách hết. Điều đó sẽ khiến họ an tâm phần nào và được động viên phần nào với những mất mát của họ.

Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội, nên tôi tin tới đây sẽ có hướng dẫn. Nếu Bộ trưởng hứa mà không thực hiện được thì tôi sẽ tiếp tục truy vấn.

NGUYỄN TÀO (lược ghi)

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng):

Đã có cải cách trong tổ chức trả lời chất vấn

Tôi nghĩ, phần trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thỏa mãn được các yêu cầu của mọi người. Bởi vì, những vấn đề thuộc tính liên ngành, Phó thủ tướng đã trả lời. Nếu nhìn lại kết cấu buổi chất vấn của hai ngày rưỡi, chúng ta sẽ thấy đây là một cải cách trong việc chất vấn và trả lời chất vấn. Đầu tiên, đại diện Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lên trả lời những vấn đề mà các thành viên Chính phủ thay mặt Chính phủ hứa với Quốc hội. Đến giờ, kết lại phần chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp nốt những vấn đề có tính chất liên ngành. Như vậy, chúng ta thấy, công tác chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ năm có bước thay đổi tương đối quan trọng, thể hiện được cả trách nhiệm lẫn phần thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên bên lề Quốc hội, ngày 14-6. Ảnh: CT.

Tuy nhiên, một buổi chiều trả lời chất vấn của Phó thủ tướng thì khó giải đáp hết, thỏa mãn hết mọi thắc mắc và bức xúc của người dân trong bối cảnh hiện nay. Nhưng chúng ta hy vọng, Phó thủ tướng sẽ tạo ra được sự đồng thuận, trước hết là trong Quốc hội và các thành viên Chính phủ.

THUỲ LÂM (lược ghi)