Vì được tiến hành theo hình thức “first past the post” (người dẫn đầu giành ghế), tức ứng viên nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ trúng cử nên cuộc tổng tuyển cử của Singapore luôn đạt được kết quả, bầu ra được số lượng nghị sĩ theo yêu cầu.

Chính vì vậy, số ghế tại Quốc hội mà mỗi chính đảng giành được không nhất thiết phải tương ứng với số phiếu bầu. Đơn cử như trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2020, mặc dù giành được hơn 61,2% số phiếu bầu, song Đảng PAP cầm quyền lại giành được hơn 89% số ghế tại Quốc hội khóa 14 của Singapore.

Cử tri Singapore trong Ngày Đề cử. Ảnh: TTXVN 

Không khó để nhận ra hai điểm khác biệt nổi bật trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên dưới thời ông Lawrence Wong trên cương vị Thủ tướng và Tổng thư ký Đảng PAP so với cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất. Thứ nhất, không còn các biện pháp hạn chế do đại dịch Covid-19 như cách đây 5 năm, lần này, các chính đảng và ứng viên có tới 9 ngày vận động tranh cử rầm rộ trên "thực địa". Thứ hai, số lượng nghị sĩ được bầu năm nay tăng thêm 4 người so với năm 2020.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14, hơn 210 ứng viên, gồm các ứng viên của 11 chính đảng và các ứng viên độc lập tham gia chạy đua tại 33 khu vực bầu cử. PAP là đảng duy nhất đăng ký tranh cử tất cả 97 ghế, theo sau là Đảng Công nhân (WP) tranh cử 26 ghế. Các đảng còn lại đăng ký tranh cử 15 ghế trở xuống trong khi các ứng viên độc lập tranh cử 2 ghế. Để giành giật từng lá phiếu, các chính đảng Singapore đều đưa ra những cương lĩnh tranh cử riêng, tập trung xoáy sâu vào các vấn đề nổi cộm, như: Chi phí sinh hoạt, việc làm, nhà ở, già hóa dân số...

Ví dụ, Đảng PAP kêu gọi chung tay hiện thực hóa "giấc mơ Singapore mới"-ám chỉ sự cân bằng tốt hơn giữa một bên là nỗ lực bảo đảm cuộc sống với một bên là có đủ không gian "để mơ ước, để sống hết mình". Thêm vào đó, nắm bắt thực tế số lượng cử tri trẻ tuổi và nữ giới gia tăng, các chính đảng Singapore đã bổ sung nhiều gương mặt mới tham gia đường đua năm nay. Tiêu biểu như Đảng PAP, trong số 32 ứng cử viên mới-nhiều nhất từ trước tới nay, có tới 1/2 ở độ tuổi dưới 40 và có 13 gương mặt nữ-một con số kỷ lục trong lịch sử của đảng, nhằm "mang đến nguồn năng lượng, ý tưởng và những góc nhìn mới".

Mặc dù những cuộc bầu cử gần đây ghi nhận dấu hiệu sụt giảm về tỷ lệ ủng hộ của cử tri, song nhìn chung, so với các chính đảng khác, Đảng PAP vẫn được đánh giá là có lợi thế khi bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14. Người dân Singapore chắc hẳn không còn xa lạ trước cái tên PAP vốn là đảng cầm quyền duy nhất trong suốt mấy thập niên qua, có công dẫn dắt đảo quốc sư tử làm nên "điều thần kỳ". Tuy chỉ là một "chấm đỏ nhỏ" trên bản đồ thế giới nhưng Singapore lại "bừng sáng", từ một vũng lầy trở thành con rồng châu Á như ngày nay.

Cần lưu ý rằng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra điều bất ngờ. Có lẽ con số khoảng 56% cử tri Singapore chưa quyết định bầu cho đảng nào trong cuộc thăm dò ý kiến của hãng YouGov phần nào cho thấy được sự khó đoán định của cuộc tổng tuyển cử hôm nay.

Dẫu kịch bản nào xảy ra thì không thể phủ nhận rằng việc được cử tri "chọn mặt gửi vàng" không chỉ thể hiện sự tín nhiệm mà còn đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề đối với các chính đảng của Singapore trong "một thế giới ngày càng bất định, thậm chí là bất ổn". Bởi như Thủ tướng Lawrence Wong đã nhận định: "Những điều kiện toàn cầu vốn từng tiếp sức cho thành công của Singapore trong những thập niên qua có thể không còn tồn tại nữa".

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.