Vụ xả súng mới nhất ở quốc gia Bắc Mỹ này chỉ mới xảy ra cách đây chưa đầy 24 giờ; 4 người nữa đã phải vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống tươi đẹp. 5 vụ xả súng trong chỉ 20 ngày thêm một lần nữa đặt ra những câu hỏi đối với hoạt động vận động hành lang súng đạn ở nước này. Có một thực tế khó tin là ở nhiều bang của nước Mỹ, sở hữu một khẩu súng còn dễ dàng hơn việc mua và nuôi một chú chó.

leftcenterrightdel
Người thân chờ đợi nghe tin về vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb ở Uvalde, bang Texas. Ảnh: Reuters

Súng – tác nhân thúc đẩy động cơ giết người

Động cơ giết người trong những vụ xả súng là rất khác nhau. Kẻ sát nhân ở siêu thị Buffalo, New York vào ngày 14-5 vừa qua rõ ràng là có động cơ sắc tộc. Payton Gendron đã cố tình truy sát những người da màu và trong số 10 người chết và 3 người bị thương trong vụ xả súng có tới 11 người da màu. Ngày 16-5, một người đàn ông 68 tuổi đã nổ súng giết chết 1 người và làm bị thương 5 người ở một nhà thờ ở California. Nạn nhân của kẻ này là người gốc Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, dù chưa rõ động cơ nào khiến Salvador Ramos (trong vụ xả súng ở trường tiểu học ở Texas) hay hung thủ trong 2 vụ xả súng ở Tulsa, bang Oklahoma trong 2 ngày 29-5 và 1-6 nổ súng vào người khác, nhưng một ngày nào đó chúng ta sẽ có câu trả lời.

Dù có động cơ khác nhau, nhưng những vụ xả súng kinh hoàng này có một điểm chung: Các hung thủ đều sử dụng súng. Súng là công cụ giết người có mức độ sát thương cao. Một người mang súng có thể giết nhiều người hơn, giết người nhanh hơn và tốn ít sức lực hơn rất nhiều so với một kẻ mang dao, vật tày hoặc dùng tay không. Hung khí mà Salvador Ramos sử dụng là một khẩu AR15 - súng trường quân dụng có băng tiếp đạn bắn nhanh, cho phép hắn nhả đạn liên tục và chỉ dừng lại khi bị bắn hạ.

leftcenterrightdel
Cảnh sát gần hiện trường vụ xả súng ở Texas. Ảnh: CNN

Việc hầu hết các nạn nhân của Ramos là trẻ em khiến cho tội ác của hắn trở nên đặc biệt khủng khiếp. Nhưng về bản chất nó cũng giống như vô số các thảm kịch xả súng khác ở nước Mỹ. Đó là việc dễ dàng sở hữu và nguồn cung súng đạn dồi dào và quá dễ tìm kiếm khiến súng đạn trở nên chết chóc hơn rất nhiều. Khi có súng, những tên cướp có khả năng giết người cao hơn. Khi có súng, một cuộc cãi vã ngay trong gia đình cũng có khả năng kết thúc bằng một hay nhiều cái chết. Khi có súng, người có ý định tự sát thường sẽ thành công với ý định kết liễu cuộc sống của mình. Đó chính là sự khác biệt của súng.

Theo thống kê, năm 2021 cảnh sát Anh và xứ Wales bắn chết 2 người, nhưng cảnh sát Mỹ bắn chết 1.055 người. Lý do chính cho sự chênh lệch con số quá lớn này không phải là cảnh sát Anh xử lý các vụ việc nhẹ nhàng hơn hay họ ít phân biệt chủng tộc hơn mà là bởi cảnh sát Mỹ phải đối mặt với những vụ việc phát sinh trong một xã hội mà ai cũng có thể mang theo súng. Hầu hết những người bị cảnh sát Mỹ bắn hạ đều mang súng. Số còn lại bị bắn hạ do cảnh sát tưởng rằng họ mang súng. Súng cũng là lý do chính khiến tỷ lệ giết người ở Mỹ cao gấp từ 4 đến 5 lần so với một nước phát triển điển hình.

Thực trạng sở hữu súng đạn

Theo ước tính của Economist, hiện người Mỹ đang sở hữu khoảng 400 triệu khẩu súng. Nếu số súng này được chia đều, mỗi gia đình người Mỹ sẽ có 6 khẩu súng trong nhà. Chỉ riêng trong năm 2020 đã có hơn 45.000 người thiệt mạng từ những thương tích do súng đạn gây ra. Súng đạn hiện đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao hơn tất cả số vụ tai nạn ô tô ở Mỹ cộng lại.

leftcenterrightdel
Vụ xả súng ở Tulsa, Oklahoma khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm cả hung thủ. Ảnh: Cảnh sát Tulsa

Rõ ràng là nước Mỹ cần phải siết chặt hơn nữa quy định về sở hữu súng đạn. Mỗi khẩu súng cần phải được đăng ký sở hữu và cấp phép sử dụng một cách riêng rẽ và người sở hữu chúng phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra chặt chẽ về lý lịch cá nhân, nhân thân, bệnh sử… Quá trình đăng ký và cấp phép sở hữu và sử dụng cần phải được kéo dài, thật dài để không ai có thể mua súng một cách dễ dàng khi đang trong cơn kích động hay đang nổi trận lôi đình. Thêm vào đó, súng có hộp tiếp đạn bắn nhanh cần phải bị cấm để hung thủ không thể nã đạn một cách dễ dàng vào tất cả các nạn nhân trong một không gian kín như ở Trường Tiểu học Robb ở Uvalde, Texas vừa qua.

Tuy nhiên, việc kiểm soát súng chặt chẽ như vậy ở Mỹ hiện nay gần như không thể. Tu chính án số 2 trong Hiến pháp nước này (có hiệu lực từ ngày 15-12-1791) bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của người dân. Về phần mình, Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) lại giải thích Tu chính án số 2 theo hướng chủ yếu thiên về quyền được sở hữu súng. Các chính trị gia với quan điểm siết chặt sở hữu súng đạn thì lại luôn phải đối mặt với những cử tri “có tổ chức” từ hiệp hội này. Đặc biệt, trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, rất ít người dám phản đối việc vận động hành lang súng đạn.

Hậu quả của những vấn đề nói trên khiến cho quy định về súng đạn trở nên nới lỏng ở những nơi như Texas, nơi người đủ 21 tuổi có thể mang theo súng ngắn ở nơi công cộng mà không cần phải trải qua bất cứ khóa huấn luyện nào và cũng không bị đòi hỏi phải có giấy phép sử dụng. Trong khi đó, một người muốn hành nghề cắt tóc thì nhất thiết phải có đầy đủ giấy phép hành nghề và chứng nhận đào tạo nghề. Cũng ở Texas, một thanh niên 18 tuổi có thể mua súng ngắn nếu lớn lên trong một gia đình bạo lực, với mục đích tự bảo vệ mình trước những hành vi lạm dụng của người thân. Đây cũng là nơi mà bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể mua súng trường mà chẳng gặp nhiều rắc rối. Ramos đã mua 2 khẩu súng trường quân dụng một cách hợp pháp khi mới 18 tuổi và hắn đã bắn bà của mình trước khi gây ra thảm họa ở Trường tiểu học Robb.

leftcenterrightdel
Vận động hành lang súng đạn đang là trở ngại ngáng đường những chính trị gia mong muốn siết chặt sở hữu súng tại Mỹ. Ảnh: Reuters 

Phần lớn người Mỹ ủng hộ việc đưa ra một số hạn chế như cấm cấp phép và bán vũ khí cho người có tiền sử bệnh tâm thần, tạo dựng cơ sở dữ liệu quản lý và giám sát sử dụng đối với tất cả các sản phẩm súng đạn đã được bán ra và cấm bán súng uy lực mạnh và có hộp tiếp đạn dung lượng lớn. Thế nhưng Quốc hội Mỹ khó lòng có thể thông qua những điều khoản như vậy, một phần là do một số thượng nghị sĩ cố tình trì hoãn việc nêu lên những vấn đề này (do vận động hành lang súng đạn). Chỉ còn cách là các hội đồng thành phố và các tiểu bang nên vào cuộc, đưa ra những quy định khiến cho việc mua súng trở nên khó khăn hơn, mặc dù những kẻ buôn súng sẽ luôn có cách để tuồn súng đạn từ nơi “dễ thở” tới nơi có quy định nghiêm ngặt hơn.

Về phần mình, cử tri nên ủng hộ các chính trị gia nhất trí với quan điểm ít nhất phải làm cho việc sở hữu và sử dụng súng trở nên khó khăn như việc thi lấy giấy phép lái xe. Câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao nước Mỹ cần siết chặt quy định sở hữu súng đạn?” là: “Không phải tất cả các vụ xả súng chết người đều có thể được ngăn chặn, nhưng siết chặt quản lý súng đạn chắc chắn có thể giúp thảm họa này giảm đi nhiều lần”.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ Economist và ABC News)