QĐND - Trong bối cảnh tình trạng sức khỏe của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết nguy kịch và khả năng khó có thể tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10-1, chính phủ quốc gia Mỹ La-tinh dường như đang có những động thái chuẩn bị cho tương lai không có sự lãnh đạo của ông Cha-vết...

Củng cố quyền lực và đoàn kết nội bộ

Trong trường hợp ông Cha-vết không thể tuyên thệ nhậm chức đúng ngày, sau này ông vẫn có thể thực hiện thủ tục nhậm chức tại Tòa án tối cao theo quy định của Hiến pháp và lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Vê-nê-xu-ê-la vẫn chuẩn bị sẵn kịch bản cho thời kỳ chuyển giao quyền lực đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Cụ thể là gần đây, ông Đi-ốt-đa-đo Ca-be-lô (Diosdado Cabello), một đồng minh thân cận của Tổng thống U-gô Cha-vết đã tái đắc cử chủ tịch Quốc hội. Với việc tái đắc cử, ông Ca-be-lô sẽ củng cố vị thế là nhân vật quyền lực thứ ba trong chính phủ, sau Tổng thống Cha-vết và Phó tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) và có thể sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thống lâm thời cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống mới, nếu như Tổng thống Cha-vết không thể chiến thắng căn bệnh ung thư.

Phó tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ma-đu-rô (bên trái) và Chủ tịch Quốc hội Ca-be-lô. Ảnh: Roi-tơ

 

Việc ông Ca-bê-lô tái đắc cử chức chủ tịch Quốc hội đã thể hiện mong muốn củng cố tinh thần đoàn kết và tiếp tục dẫn dắt đất nước Vê-nê-xu-ê-la của đảng cầm quyền do Tổng thống Cha-vết lãnh đạo. Việc này được cổ vũ với sự ủng hộ của đông đảo người dân Vê-nê-xu-ê-la dành cho ông Ca-be-lô sau khi ông tái cử. Hàng vạn người đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Quảng trường Bô-li-va và toàn bộ khu vực xung quanh trụ sở Quốc hội để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Cha-vết và ông Ca-bê-lô. Đồng thời, họ cũng phản đối ý đồ của phe đối lập muốn tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 30 ngày nếu ông Cha-vết không thể tuyên thệ nhậm chức.

Ngồi ở chiếc ghế quyền lực nhất cơ quan lập pháp, ông Ca-bê-lô được tin tưởng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho Phó tổng thống Ma-đu-rô, người đã được Tổng thống Cha-vết chỉ định để ra tranh cử tổng thống trong trường hợp ông không thể tiếp tục lãnh đạo đất nước. Trước khi sang Cu-ba phẫu thuật lần thứ 4, ông Cha-vết đã chỉ định Phó tổng thống Ma-đu-rô ra tranh cử tổng thống nhằm đảm bảo con đường phát triển của Vê-nê-xu-ê-la mà ông đã lựa chọn sẽ được tiếp nối.

Việc ông Ca-be-lô tái đắc cử chức chủ tịch Quốc hội phần nào làm dịu bớt những đồn đoán về khả năng sẽ có những xáo trộn chính trị do tình hình sức khỏe bất lợi của ông Cha-vết. Cả hai ông Ca-be-lô và Ma-đu-rô đều khẳng định Tổng thống U-gô Cha-vết sẽ tiếp tục là tổng thống của Vê-nê-xu-ê-la. Khi nào thích hợp, tổng thống sẽ tuyên thệ nhậm chức. Phó tổng thống Ma-đu-rô còn tuyên bố Tổng thống Cha-vết sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 10-1, kể cả trong trường hợp ông Cha-vết không thể tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội. Hai ông đã bày tỏ sự đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền bằng việc dành cho nhau những cái ôm hôn thân mật trước mặt công chúng. Ông Ca-be-lô cũng kêu gọi người dân không nên để bị lôi kéo vào những cuộc biểu tình có thể được phe đối lập phát động.

Tính tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ

Cùng với việc chuẩn bị cho tương lai không có sự lãnh đạo của Tổng thống Cha-vết, Vê-nê-xu-ê-la dường như cũng đang tính tới khả năng bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Gần đây các nhà ngoại giao Mỹ và Vê-nê-xu-ê-la đã bắt đầu có những cuộc nói chuyện cấp cao bàn về cải thiện quan hệ. Tờ nhật báo “El Nuevo Herald” (Mỹ) dẫn nguồn thạo tin chính phủ Mỹ cho biết, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Mỹ La-tinh, bà Rô-bớt-ta Gia-cốp-xơn (Robert Jacobson) hồi tháng 11-2012 đã có cuộc điện đàm với ông Ma-đu-rô và thảo luận các biện pháp cải thiện quan hệ song phương, trong đó đề cập tới khả năng bổ nhiệm lại đại sứ ở mỗi nước. Phó tổng thống Ma-đu-rô đã đề xuất hai bên có thể trao đổi lại đại sứ ngay khi Tổng thống Ô-ba-ma bắt đầu nhiệm kỳ hai. Nhưng bà Gia-cốp-xơn nói cần phải có những bước trao đổi trung gian trước khi nâng cấp lên mức đại sứ. Đề xuất này của bà Gia-cốp-xơn hàm ý rằng trước khi thiết lập quan hệ ở mức đại sứ, hai bên cần phải tăng cường hợp tác trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu ma túy và chủ nghĩa khủng bố cũng như vấn đề năng lượng.

Đích thân Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã “bật đèn xanh” cho cuộc nói chuyện này. Chính bà Rô-bớt-ta Gia-cốp-xơn cũng đã xác nhận thông tin trên khi khẳng định Mỹ luôn quan tâm tới việc thiết lập mối quan hệ hữu ích hơn với Vê-nê-xu-ê-la, bắt đầu bằng cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Và nếu thực sự muốn có một mối quan hệ như vậy thì cần phải nói chuyện trực tiếp với đối tác.

Theo một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên, sau cuộc điện đàm trên còn có các cuộc nói chuyện khác về cùng một chủ đề giữa các giới chức ngoại giao hai nước. Đó là cuộc nói chuyện giữa nhà ngoại giao Mỹ Kê-vin Oai-tếch-cơ (Kevin Whitaker) với đại sứ Vê-nê-xu-ê-la tại Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), ông Gioi Cha-đơ-tơn (Roy Chaderton).

Sứ quán Mỹ tại Ca-ra-cát không có đại sứ kể từ tháng 7-2010 do Tổng thống Cha-vết từ chối đại sứ do Mỹ bổ nhiệm vì ông này có những phát biểu thiếu tôn trọng chính phủ Vê-nê-xu-ê-la. Để trả đũa, Oa-sinh-tơn cũng thu hồi thị thực của đại sứ Vê-nê-xu-ê-la tại Mỹ.

MAI NGUYÊN