Bất ổn tại Syria đã làm tăng nhiệt “lò lửa” xung đột Trung Đông-khu vực trong một năm qua tiếp tục chứng kiến cuộc giao tranh không hồi kết giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở dải Gaza của Palestine kể từ sau vụ đột kích bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023. Đúng như lo ngại ban đầu, sự cố này đã leo thang thành cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cuộc đối đầu giữa Israel với Iran-quốc gia được cho là hậu thuẫn cả Hamas và Hezbollah.
Một năm qua, Trung Đông chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có các hành động thù địch giữa các thế lực không đội trời chung. Israel tung đòn tiêu diệt các tay súng Hezbollah ở Lebanon với chiến dịch quân sự mang tên “Mũi tên phương Bắc”. Iran cũng mở hai chiến dịch “Lời hứa đích thực” 1 và 2, tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của Nhà nước Do Thái để đáp trả các cuộc tấn công chết chóc của Israel nhằm vào người dân vô tội ở dải Gaza, Lebanon cũng như những vụ Israel sát hại các thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Hamas và Hezbollah. Israel đáp trả bằng một cuộc tấn công quân sự vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Iran.
 |
Israel liên tiếp thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Lebanon. Ảnh: AP |
Những cuộc tấn công quân sự trực diện vào lãnh thổ của nhau giữa Israel và Iran dù với quy mô không lớn, nhưng đã đánh dấu lần đầu tiên cả hai trực tiếp đối đầu mà không thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Việc cả hai phá bỏ “cuộc chiến trong bóng tối” bằng các đòn “ăn miếng trả miếng” trực tiếp khiến tình hình an ninh khu vực trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Cho dù hai quốc gia kình địch đều đang cho thấy sự kiềm chế, tránh đối đầu quân sự nhưng điều này không có nghĩa là hoàn toàn tránh khỏi nguy cơ chiến tranh khi cả hai chưa hóa giải được hận thù.
Chưa hết, sát những ngày cuối năm, Israel mở đợt không kích lớn vào Yemen, tiêu diệt lực lượng Houthi và đây mới chỉ là màn khởi đầu nhằm dạy cho lực lượng được Iran hậu thuẫn những bài học như với Hamas, Hezbollah hay Syria.
Thật ít ai có thể tưởng tượng cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nói riêng, cục diện Trung Đông nói chung lại thay đổi nhanh chóng và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, thậm chí hỗn loạn như vậy chỉ sau hơn một năm. Trong khi đó, tiến trình hòa bình Palestine-Israel vẫn tiếp tục rơi vào quên lãng. May mắn xuất hiện chút ánh sáng cuối đường hầm, đó là một số quốc gia châu Âu từ ủng hộ hành động tự vệ của Israel đã quay sang ủng hộ Palestine, công nhận Nhà nước Palestine độc lập với hy vọng sẽ gây sức ép lên Nhà nước Do Thái chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở dải Gaza. Cuộc xung đột ở Gaza cũng đã cản trở đáng kể triển vọng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab và Nhà nước Do Thái còn đang dang dở.
Cùng với đó, chiến trường Syria-quốc gia vừa trải qua cơn chính biến có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới, lôi kéo các quốc gia đối thủ trong và ngoài khu vực tham gia. Bài học tại Iraq hay Libya, những quốc gia đã trải qua cơn chính biến tương tự ở Syria vẫn còn đó. Quốc gia này cần nhanh chóng ổn định tình hình, giải quyết những vấn đề của chế độ trước đây, đoàn kết các lực lượng trong phe đối lập vừa lên cầm quyền và nhất là giành quyền tự chủ, tự quyết, để không đi vào “vết xe đổ” của những nước láng giềng đã quá thấm thía cái giá phải trả cho sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Lịch sử các cuộc xung đột ở Trung Đông cho thấy tình trạng leo thang căng thẳng có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không thể kiểm soát được về quy mô cũng như cách thức diễn ra. Các nỗ lực cho hòa bình, hòa giải đều bị đóng băng giữa chừng nên không tới được đích. Trải qua một năm đầy biến động, khu vực này một lần nữa cho thấy vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy của bạo lực diễn ra theo chu kỳ.
Nằm giữa khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng,“rốn dầu” của thế giới, các nước Trung Đông khó tránh khỏi những tai ương và tác động tiêu cực bởi cuộc cạnh tranh lợi ích cùng vai trò ảnh hưởng của các quốc gia ở khu vực cũng như trên thế giới. Cùng với đó là những hệ lụy của một quá trình đầy mâu thuẫn bởi tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo đan xen và sự bủa vây của bạo lực, đẩy khu vực vào thảm họa nhân đạo thảm khốc. Chỉ riêng những cuộc xung đột gần đây cũng đã đủ để đẩy khu vực xuống miệng vực khủng hoảng nhân đạo. Đó là chưa kể nơi vẫn được ví như “địa ngục trần gian” là Gaza được hình thành kể từ khi bạo lực bùng phát vào năm ngoái. Sau Gaza, Lebanon, Syria đều đang trở thành những điểm nóng về khủng hoảng nhân đạo với hàng triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh và xung đột.
Các cuộc chiến tranh tàn phá không chỉ cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng mà còn phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia. Sau khi kết thúc chiến tranh, những thách thức đối với việc tái thiết sau xung đột sẽ trở thành vấn đề quan trọng với các nước ở khu vực.
Xung đột ở Trung Đông không chỉ gây ra những tác động ở quy mô khu vực mà còn trên toàn cầu. Lực lượng Houthi ở Yemen đã đáp trả Israel bằng các cuộc tấn công vào tàu, thuyền thuộc về các quốc gia ủng hộ Israel qua Biển Đỏ và vịnh Aden, đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Đông lại tiếp tục trải qua một năm bất lực khi không thể ngăn nổi mồi lửa đã châm ngòi xung đột lây lan ra toàn khu vực. Tuy bóng dáng của một cuộc chiến tổng lực, toàn diện quy mô khu vực như cảnh báo chưa thực sự hiện hữu, nhưng mọi nguy cơ đều cần được ngăn chặn kịp thời ngay từ lúc này, nếu không muốn tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Các nước Trung Đông thấu hiểu hơn ai hết những mất mát của chiến tranh, nên cho dù không thể cứu vãn tình hình hiện nay, các nước được tin tưởng sẽ không để tình hình trở nên xấu hơn, để bước sang năm 2025, dù còn nhiều âu lo, nhưng sẽ có thêm những hy vọng mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển cho toàn khu vực.
MỸ HẠNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.