CNBC đưa tin, trong cuộc bỏ phiếu ngày 24-11 tại Quốc hội Thụy Điển gồm 349 ghế, có 117 nghị sĩ ủng hộ bà Andersson, 174 nghị sĩ phản đối, trong khi 57 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và một nghị sĩ vắng mặt. Theo quy định của Thụy Điển, ứng cử viên được bầu làm thủ tướng miễn là không vấp phải sự phản đối của đa số các nghị sĩ (tương đương với 175 phiếu chống trở lên). Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết, bà Andersson sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Thụy Điển sau cuộc gặp với Nhà vua XVI Gustaf vào ngày 26-11 tới.

Trước đó, vào ngày 4-11 vừa qua, bà Andersson đã được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội thay ông Stefan Löfven-người sau đó cũng từ chức Thủ tướng Thụy Điển sau 7 năm cầm quyền trong một động thái để bà Andersson có thể kế nhiệm ông, trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Chính phủ Thụy Điển. Tới ngày 11-11, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen đã giao nhiệm vụ cho bà Andersson đứng ra thành lập chính phủ mới sau khi Thủ tướng Löfven từ chức.

 Bà Magdalena Andersson phát biểu sau khi được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội của Thụy Điển vào ngày 4-11. Ảnh: The Register-Herald

Bà Andersson, 54 tuổi, là chuyên gia kinh tế và là cựu vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Trả lời phỏng vấn truyền thông về việc đề cử bà Andersson vào vị trí Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội của Thụy Điển, Chủ tịch Ủy ban đề cử Elvy Söderström cho rằng đó là “thời khắc lịch sử” bởi bà Andersson “biết mọi thứ diễn ra như thế nào và làm những gì cần thiết”. Theo Chủ tịch Ủy ban đề cử, sự kiên định, có trình độ về kinh tế học và được quốc tế biết đến chỉ là một vài trong những điểm mạnh của bà Andersson. Tờ Politico dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Mikael Damberg cho rằng, việc thay đổi người lãnh đạo là quan trọng, mang đến “cơ hội cho một khởi đầu mới” đối với Đảng Dân chủ xã hội. Trong khi đó, bản thân bà Andersson tuyên bố chưa từng nghĩ đến việc trở thành lãnh đạo và bà mong muốn tạo nên sự khác biệt “mà không quan trọng là mình giữ vai trò gì”. “Thời của những xã hội yếu kém đã qua. Cho dù đó là chăm sóc bệnh nhân Covid-19, tạo công ăn việc làm, hay thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhanh chóng... thì chỉ với một xã hội mạnh mẽ hơn, chúng ta mới có thể cùng nhau tìm ra giải pháp khi khủng hoảng xảy ra”, bà Andersson nhấn mạnh.

CNBC bình luận việc bà Andersson được Quốc hội bầu làm thủ tướng đánh dấu một cột mốc đối với Thụy Điển-vốn đã được xem là một trong những quốc gia tiến bộ nhất của châu Âu về bình đẳng giới. Tuy nhiên, tờ Politico cũng cho rằng, chặng đường phía trước còn nhiều thách thức đối với nữ Thủ tướng Thụy Điển, trong đó phải kể đến các vấn đề xã hội như tội phạm bạo lực gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao liên tục. Trên thực tế, người tiền nhiệm của bà Andersson là ông Löfven đã phải chật vật để duy trì chính phủ của mình trong nhiều tháng gần đây khi ông tìm cách thuyết phục những cử tri hoài nghi rằng, ông có thể xoay chuyển tình thế sau khi lãnh đạo đất nước trong 7 năm qua. Thế nhưng, cuối cùng, ông Löfven đã quyết định từ chức. Bà Andersson đã tuyên bố 3 ưu tiên của mình là: Khí hậu, “nối lại quyền kiểm soát dân chủ” đối với trường học và hệ thống y tế sau làn sóng tư nhân hóa và cuộc chiến chống lại “sự phân biệt đối xử” cũng như các băng nhóm bạo lực mà chính phủ cho đến nay vẫn chưa kiểm soát được.

HOÀNG VŨ