QĐND - Các cơ sở sản xuất hàng hóa từ dừa ở nước ta đang thiếu nguyên liệu trầm trọng; ngay tại xứ sở dừa Bến Tre, nhiều doanh nghiệp cũng hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là dừa trái đang bị bán ồ ạt cho các thương lái đến từ Trung Quốc, Cam-pu-chia và Thái Lan. Nếu không có những biện pháp kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ gia tăng.
Dừa xuất ngoại
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre đã lên xấp xỉ 125.000 đồng/chục (một chục 12 trái); còn dừa tươi dùng để lấy nước uống, giá 65.000 đồng/chục. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Chúng tôi đến các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam… ở đâu cũng thấy thương lái đến các nhà vườn để hỏi mua dừa quả. Họ đi đến từng cây dừa đếm quả, xác định chất lượng quả và mặc cả, ngã giá với chủ vườn. Có nơi, thương lái giành giật nhau để có hàng bán cho các tàu của Trung Quốc đang neo đậu trên sông Hàm Luông.
 |
Xứ dừa mà thiếu dừa.
|
Tại xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam ngày nào cũng nườm nượp các loại xe tải, ghe xuồng ra vào mua dừa. Ông Năm Mập, một chủ vựa dừa ở đây cho biết: “Gia đình tôi phải huy động hết nhân lực, chia thành nhiều tốp nhỏ tỏa đi các nhà vườn để gom dừa. Nhưng một tuần nay mới chỉ đáp ứng được gần 60% nhu cầu mua dừa của thương lái Trung Quốc”. Dừa giá cao, hầu hết các gia đình trồng loại cây này ở Phước Hiệp ngày nào cũng tất bật với công việc chăm sóc, hái quả và vận chuyển quả cho thương lái. Bà Hai Nhỏ ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành - một địa phương có trái dừa xiêm ngọt nổi tiếng - kể: “Nhà tôi có hơn 3.500m2 trồng dừa. Từ cuối năm 2010 đến nay, ngày nào cũng có thương lái đến thu gom dừa để bán cho tàu Trung Quốc. Nhiều cây mới chỉ ra hoa thôi, mà họ cũng đặt cọc tiền để mua quả”.
Tại đoạn sông gần với chợ trung tâm thành phố Bến Tre, cảnh thu mua dừa trái rất tấp nập. Có đến cả trăm chiếc tàu, ghe lớn nhỏ chở đầy dừa trái đến giao cho các chủ vựa. Người ta cũng dễ dàng phát hiện ra các tàu, ghe chở dừa đến từ các tỉnh, thành phố như: Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Ông Thạch Khôi, một chủ tàu đến từ Trà Vinh cho biết: “Dừa Bến Tre hồi này hiếm rồi. Thương lái đến tận nhà vườn ở các tỉnh khác để thu gom đấy”. Không chỉ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, mà các địa phương khác vùng Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… dừa cũng ồ ạt được “xuất ngoại”. Đây là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa từ dừa.
Doanh nghiệp và người lao động gặp khó
Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 1.100 cơ sở, hộ cá thể và khoảng 85 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây dừa. Các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Nam Trung bộ cũng có khoảng 1000 các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như vậy. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre đạt 72 triệu USD, đứng thứ hai sau xuất khẩu thủy sản. Điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây dừa.
Việc giá dừa nguyên liệu liên tục tăng giá và khan hiếm, khiến các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở tỉnh Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Ông Phạm Vân Thanh, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Trường Ngân ở thành phố Bến Tre than thở: “Trước đây, tôi phải thuê từ 30 đến 50 công nhân làm tại xưởng sản xuất và nhiều hộ gia đình khác sơ chế sản phẩm mới làm hết việc. Nhưng nay do nguyên liệu ít, chúng tôi chỉ thực hiện được hơn 40% công suất so với trước. Nhiều lao động không có công ăn, việc làm”.
 |
Sản xuất kẹo dừa ở tỉnh Bến Tre.
|
Chật vật hơn cả là những doanh nghiệp, cơ sở làm kẹo dừa, chế biến cơm dừa. Bà Phạm Thị Tỏ, Giám đốc Công ty TNHH Đông Á bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi luôn mong muốn Nhà nước kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là việc bình ổn giá hàng hóa ở thị trường trong nước và tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Nhưng tình trạng dừa bị bán ra nước ngoài ùn ùn, giá nguyên liệu đầu vào tăng thì rất khó khăn”. Các cơ sở làm cơm dừa cho biết, khi giá dừa quả loại I tăng hơn 50.000 đồng/chục, thì họ đã phải chịu lỗ, còn giá từ 100.000 đến 120.000 đồng/chục như hiện nay, rất khó để các cơ sở trụ vững. Bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty CP XNK Bến Tre, cho rằng: “Mỗi tháng chúng tôi chỉ thu mua được khoảng 400 tấn cơm dừa, giảm gần 80% so với trước”.
Cần có biện pháp giữ vùng nguyên liệu
Tình trạng dừa nguyên liệu bị xuất đi nước ngoài quá nhiều, giá đầu vào tăng cao làm cho hoạt động chế biến, sản xuất hàng hóa từ dừa để xuất khẩu ở Bến Tre và các tỉnh giảm sút nghiêm trọng. Ông La Văn Bé, Giám đốc sở Công thương tỉnh Bến Tre nói: “Cần phải tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực tiêu thụ nguyên liệu dừa của các doanh nghiệp để có biện pháp bảo vệ loại nguyên liệu này”.
Trước tình trạng thiếu dừa nguyên liệu, UBND tỉnh Bến Tre có công văn đề nghị Trung ương cho thu thuế xuất khẩu dừa thô để hạn chế “xuất ngoại”. Vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định kể từ ngày 20-5-2011 sẽ thu thuế xuất khẩu dừa thô ở mức 3%. Quyết định này giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa có thêm nguồn nguyên liệu để sản xuất – kinh doanh, đồng thời cũng giúp cho nhiều lao động có công ăn, việc làm ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế lạm phát. Tuy nhiên, việc thu thuế không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng hàng hóa, hiệu quả kinh doanh, mua được nhiều nguyên liệu, các doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: “Các doanh nghiệp chế biến cơm dừa, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cần phải đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn với thị trường và mua dừa nguyên liệu với giá hợp lý hơn”. Bảo vệ nguồn nguyên liệu dừa không chỉ để duy trì sản xuất, kinh doanh ở trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống và bảo vệ quyền lợi của người trồng dừa.
Bài và ảnh: Lê Phi Hùng