Trong bài viết đăng trên Arab News, Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran được đào tạo tại Đại học Harvard, nhận định, với tình hình căng thẳng hiện tại, mọi hy vọng khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, dường như ngày càng xa vời. Triển vọng khôi phục thỏa thuận này đã giảm dần, chủ yếu là do Iran thiếu động lực để kiềm chế tham vọng hạt nhân của mình. Chính phủ Iran dường như không có nhiều lý do để quay lại bàn đàm phán. Bên cạnh đó, động lực chính trị trong nội bộ nước Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng. Có một áp lực đáng kể từ Đảng Cộng hòa trong việc duy trì lập trường cứng rắn chống lại Iran bằng cách từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Điều này khiến khả năng khôi phục JCPOA càng thêm khó khăn.
Một số chính trị gia tại Mỹ cho rằng, việc khôi phục JCPOA cùng với việc nới lỏng các lệnh trừng phạt có thể cung cấp cho Chính phủ Iran các nguồn tài chính cần thiết để củng cố quân đội của mình. Một diễn biến như vậy không chỉ làm tăng sức mạnh quân sự của Iran mà còn nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế, có khả năng dẫn đến việc nước này tái hòa nhập vào hệ thống tài chính quốc tế. Việc Iran có thêm nguồn tiền có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực trong khu vực, làm phức tạp thêm tình hình địa chính trị.
 |
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Bushehr tại triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran tại thành phố Isfahan ngày 6-5-2024. Ảnh: AP
|
Điều đáng lưu ý là đánh giá gần đây của Mỹ về các hoạt động hạt nhân của Iran. Một báo cáo từ Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, trong đó cáo buộc Iran ngày càng tự tin hơn trong các cuộc thảo luận về vũ khí hạt nhân. Báo cáo nhấn mạnh một xu hướng đáng lo ngại: “Năm nay, đã có sự gia tăng đáng kể các tuyên bố công khai của Iran về vũ khí hạt nhân”. Sự thay đổi trong động thái của Tehran có thể có những tác động sâu rộng đến an ninh khu vực và toàn cầu.
Trong nhiều năm, Chính phủ Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm mục đích hòa bình. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của các quan chức Iran cho thấy một sự thay đổi có thể xảy ra trong học thuyết hạt nhân. Ông Kamal Kharrazi, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, đã lưu ý rằng Iran có thể sẽ xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này. Sự thay đổi này phản ánh lập trường cứng rắn hơn của Iran, từ đó có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng trong khu vực. Trong khi đó, nghị sĩ Ahmad Bakhshayesh Ardestani, thành viên Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran, đã công khai ám chỉ rằng Iran có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Khi căng thẳng với Israel ngày càng gia tăng, Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năng lực hạt nhân. Trong tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra một cảnh báo, trong đó nhấn mạnh rằng khoảng thời gian cần thiết để Iran sản xuất đủ nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân là 1-2 tuần. Khoảng thời gian nhanh chóng này cho thấy Iran đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân. Một số quan chức Mỹ cho rằng việc Washington rút khỏi JCPOA là một yếu tố dẫn đến những diễn biến đáng báo động trong các hoạt động hạt nhân của Iran. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Washington khỏi JCPOA và áp các biện pháp trừng phạt khắt khe lên Iran. Ngoài ra, uranium được làm giàu của Iran đã đạt tới mức 84%, gần mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Với việc uranium được làm giàu gần đạt mức chế tạo vũ khí hạt nhân, Iran có thể sớm sở hữu các thành phần thiết yếu cần thiết để lắp ráp bom hạt nhân.
Tiến sĩ Majid Rafizadeh cho rằng, Chính phủ Iran nên cân nhắc cẩn thận những hậu quả của việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Trước hết, việc theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể khiến Iran phải đối mặt với sự cô lập của quốc tế. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn, làm tê liệt nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Iran. Việc mất đi các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế có thể gây ra hậu quả tàn khốc, khiến Iran dễ bị tổn thương trên nhiều mặt trận. Thứ hai, việc sở hữu vũ khí hạt nhân gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Các quốc gia khác ở Trung Đông sẽ cảm thấy bị đe dọa bởi năng lực hạt nhân của Iran và có thể sẽ tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng họ. Điều này sẽ dẫn đến bất ổn gia tăng và nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân, gây ra hậu quả thảm khốc cho toàn bộ khu vực. Thứ ba, việc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể làm suy yếu an ninh lâu dài của nước này. Mặc dù có thể mang lại sự răn đe ngắn hạn, nhưng vũ khí hạt nhân cũng sẽ khiến Iran trở thành mục tiêu chính cho các cuộc tấn công phủ đầu của đối thủ. Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự tàn khốc sẽ tăng lên, khiến an ninh của Iran bị đe dọa.
Trong bối cảnh căng thẳng Iran-Israel leo thang và triển vọng khôi phục JCPOA ngày càng mờ nhạt, sự tiến triển nhanh chóng trong chương trình hạt nhân của Iran đặt ra những rủi ro đáng kể. Vì sự ổn định của khu vực và để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, Tiến sĩ Majid Rafizadeh cho rằng Iran cần phải kiềm chế không tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân của mình. Cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân không chỉ làm giảm bớt các mối quan ngại của quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy an ninh và hòa bình trong khu vực.
LÂM ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.