QĐND - 678 cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) và xăng, dầu bị phát hiện sai phạm, xử phạt chỉ sau 3 tháng tiến hành thanh tra… Đó chỉ là một phần thông tin được đưa ra trong hội nghị thông báo kết quả triển khai cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về LPG và xăng, dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 31-10, tại Hà Nội.
Càng thanh tra, càng phát hiện sai phạm
Tại hội nghị, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến ngày 30-9, đã có 61/63 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tham gia và có báo cáo kết quả. Theo đó, tổng số cơ sở kinh doanh LPG, xăng, dầu được thanh tra là 5.278 cơ sở, trong đó, số cơ sở kinh doanh LPG là 918, số cơ sở kinh doanh xăng, dầu là 4.339. Các đoàn thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 678 cơ sở (chiếm 12,8%) với tổng số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng. Đồng thời, truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính của các cơ sở vi phạm vào ngân sách nhà nước hơn 352 triệu đồng. Cũng theo ông Trần Minh Dũng, ngoài xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã xử phạt bổ sung với hình thức tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu của 56 cơ sở; tước quyền sử dụng 10 giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo; tịch thu 13 cột đo nhiên liệu; đình chỉ hoạt động 32 cột đo; đình chỉ hoạt động kinh doanh của 3 cơ sở kinh doanh xăng, dầu; đình chỉ lưu thông 505 bình gas; buộc khắc phục đủ định lượng trước khi lưu thông trở lại và tịch thu 600 lít xăng, dầu. Trong số 678 cơ sở vi phạm kể trên, có 170 cơ sở kinh doanh LPG (chiếm 18,5% số cơ sở kinh doanh LPG được thanh tra), 508 cơ sở kinh doanh xăng, dầu (chiếm 11,7% số cơ sở kinh doanh xăng, dầu được thanh tra).
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là vi phạm về đo lường. Trong tổng số 169 lượt vi phạm mà cơ quan thanh tra phát hiện được, thì có tới 123 hành vi vi phạm về đo lường (chiếm gần 73%). Số còn lại là các vi phạm về chất lượng LPG, bình/chai LPG hết hiệu lực kiểm định kỹ thuật an toàn; bán LPG không phù hợp với hợp đồng đại lý và thương nhân đầu mối; ký hợp đồng mua bán LPG vượt quá số lượng thương nhân đầu mối. Cùng với đó là hành vi chiết nạp LPG vào chai LPG mini không được phép nạp lại, không lưu hồ sơ công bố chất lượng của các chủng loại LPG tại cơ sở, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy... Đối với các hành vi vi phạm về đo lường bị xử lý chủ yếu là phương tiện đo chưa được kiểm định ban đầu đã đưa vào sử dụng; sử dụng phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định; sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ; phương tiện đo không có nguồn gốc rõ ràng dẫn đến không bảo đảm; tự ý phá niêm chì để hiệu chỉnh phương tiện đo theo hướng có lợi cho người bán; sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do có sai số vượt quá mức cho phép. Đặc biệt, thanh tra còn phát hiện 13 lượt hành vi vi phạm quy định làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo (lắp thêm, thay đổi các bộ điều khiển điện tử nhằm gian lận đo lường xăng, dầu). Những hành vi này bị phát hiện rải rác trên khắp các tỉnh, thành phố như Trà Vinh, Bình Dương, Gia Lai (mỗi tỉnh hai cơ sở); các tỉnh Bạc Liêu, Bình Thuận, Đồng Nai, Hòa Bình, Ninh Thuận, Phú Yên và Vĩnh Long (mỗi tỉnh một cơ sở).
Vẫn theo Thứ trưởng Chu Ngọc Anh, loại vi phạm này mặc dù được phát hiện với số lượng không lớn, nhưng để phát hiện được chúng, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian, công sức để theo dõi, bắt quả tang. Bên cạnh đó là các hành vi pha loại xăng có chỉ số ốc-tan (octan) thấp với xăng có chỉ số ốc-tan cao để bán với giá cao nhằm gian lận, chênh lệch giá tiền…
 |
Nhãn hiệu Petrolimex của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang bị một số đối tượng sử dụng trái phép. (Cửa hàng xăng dầu số 1 Trần Quang Khải, Hà Nội của Petrolimex).
|
Năng lực thanh tra còn nhiều hạn chế
Kết quả thanh tra đã cho thấy, tuy số lượng các cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng có chiều hướng giảm (năm 2003 là 29%, năm 2008 là 17,9% và năm 2012 là 12,8% trên tổng số cơ sở được thanh tra), song hình thức vi phạm lại đa dạng hơn và có chiều hướng phát triển ngày càng tinh vi, phức tạp và dai dẳng. Ông Trần Minh Dũng thừa nhận, năng lực và hệ thống thanh tra còn nhiều hạn chế và lỗ hổng. Thời gian đầu năm 2012 xuất hiện liên tục các vụ cháy nổ xe ô tô, xe gắn máy nên lần thanh tra này số lượng mẫu LPG và xăng, dầu thử nghiệm là rất cao so với những năm trước. Với 836 mẫu, trung bình mỗi địa phương thử nghiệm chất lượng xấp xỉ 14 mẫu. Kinh phí dành cho việc thử nghiệm 836 mẫu là không hề nhỏ (xấp xỉ 3 tỷ đồng) cũng gây khó khăn cho không ít đơn vị. "Có những trường hợp, khi kiểm tra lần một phát hiện sai phạm, chủ cơ sở ra đóng ngắt mạch điện, kiểm tra lần hai lại thấy bình thường. Vì vậy, để biết họ có lắp đặt thêm gì không là rất khó khăn. Nhiều cơ sở viện lý do hỏng hóc phải thay IC, lực lượng chức năng đến kiểm định, tiến hành kẹp chì, vô tình khi ấn mật mã thì bị sai số, khi đó lại phải bật camera theo dõi để biết mật mã. Những trường hợp này nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nặng, tước giấy phép" - ông Trần Minh Dũng cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng, dầu; một triệu tấn LPG (chủ yếu là nguồn nhập khẩu). Trong đó, khoảng 60% là dùng cho các ngành công nghiệp, sản xuất, giao thông vận tải, còn lại 40% là tiêu dùng cho dân dụng. Cùng với đó là khoảng hơn 20.000 xi-téc, bồn chứa lớn và các trạm, kho; xấp xỉ 50.000 cây xăng, dầu và hàng triệu bình đong, cột bán xăng lẻ, vì vậy việc thanh, kiểm tra là không hề đơn giản. Để kiểm soát, quản lý chất lượng phải theo chuỗi hệ thống, từ các đầu mối tới các đại lý, nhưng trên thực tế, việc tăng cường trách nhiệm cũng như quản lý quy trình bán lẻ là rất khó khăn. Với lực lượng mỏng, nguồn lực hạn chế, các chế tài chưa đầy đủ… lực lượng thanh tra đang phải đối mặt với những thủ đoạn gian lận, vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Thời gian gần đây, thị trường cũng xuất hiện nhiều vi phạm về sở hữu công nghiệp trong kinh doanh xăng dầu, chủ yếu là hành vi sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
Một khó khăn nữa chính là trong quá trình vận tải xăng, dầu từ tổng kho đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ... là nơi có thể xuất hiện các vi phạm về chất lượng xăng, dầu. Đây là một khâu trong chuỗi phân phối xăng, dầu rất khó kiểm soát, tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm khác cho người và phương tiện sử dụng, thế nhưng cơ quan thanh tra chuyên ngành lại không thể tiến hành thanh tra được đối tượng này. Ông Trần Minh Dũng cho biết, theo quy định của pháp luật, hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng tập trung chủ yếu vào giờ hành chính. Nhưng trong khoảng thời gian ngoài giờ hành chính như buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ... đối tượng có động cơ xấu có thể lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm khi không có sự kiểm soát của các cơ quan kiểm tra. Mặt khác, ở các địa phương phía Nam có nhiều sông lớn, kênh rạch nhiều, thường xuất hiện tình trạng cá nhân dùng xuồng máy vận chuyển và bán xăng, dầu theo dạng cơ động với số lượng lớn. Lực lượng thanh tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra đối các đối tượng kinh doanh xăng dầu kiểu này…
Việc thanh tra, kiểm tra đối với kinh doanh LPG và xăng, dầu vẫn là một bài toán khó, cần có thêm các chế tài đủ mạnh, sự đầu tư cần thiết về con người, vật chất. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm kinh doanh từ chính các doanh nghiệp đầu mối cho tới người bán lẻ. Còn đối với người tiêu dùng, nếu cảm thấy có vấn đề gian lận, ở các địa phương đều có đường dây nóng để người dân có thể thông báo cho lực lượng chức năng xử lý kịp thời.
Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG