Ngày 17-10, Reuters dẫn lời ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU nhấn mạnh, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong những tuần qua và hiện tại ông không kỳ vọng sẽ có bất kỳ bước tiến triển nào. “Đó là điều đáng tiếc bởi vì chúng ta từng tiến rất gần tới một thỏa thuận”, ông Josep Borrell phát biểu với báo giới.

leftcenterrightdel
Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU trong một cuộc họp báo tại Tehran hồi tháng 6-2022. Ảnh: Reuters 

Trên thực tế, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA bắt đầu được tiến hành vào tháng 4-2021 tại Vienna (Áo), nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 3 năm nay vì những khác biệt chính trị giữa Iran và Mỹ. Sau nhiều tháng gián đoạn, vòng đàm phán mới nhất được tổ chức tại thủ đô của Áo vào đầu tháng 8 vừa qua. Và cũng từ tháng 8-2022, chính ông Borrell là người đã thúc đẩy dự thảo văn bản cuối cùng nhằm khôi phục JCPOA. Điều đáng nói là khi các bên liên quan có thời điểm gần đạt được đồng thuận thì những đề xuất mới lại xuất hiện. Iran đã để ngỏ một thỏa thuận “tốt” với điều kiện phía Mỹ phải bảo đảm rằng Washington sẽ không bao giờ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân một lần nữa. Tuy nhiên, phía chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đề xuất này là không khả thi, đồng thời cho rằng những nỗ lực nhằm khôi phục JCPOA đã đi vào ngõ cụt vì “những đòi hỏi phi lý” từ phía nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đặc biệt, việc Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây lại càng khiến việc đạt thỏa thuận nhằm khôi phục JCPOA trở nên khó khăn hơn. Mới đây nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, việc theo đuổi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA không phải là “vấn đề trọng tâm” của Washington ở thời điểm hiện tại và cáo buộc Iran “không quan tâm” tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân. “Chắc chắn rằng trước mắt sẽ không đạt được thỏa thuận”, Reuters dẫn lời ông Ned Price.

Trong khi đó, Iran vẫn lạc quan vào khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Theo Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, một số cuộc đàm phán đã được tổ chức bên lề Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua và đi đến kết quả “tốt đẹp” với việc các bên liên quan “đã đến điểm đạt được sự hiểu biết chung về những vấn đề khác biệt, từ đó sẽ giúp hành động tốt hơn và đẩy nhanh tiến độ trong những bước đi cuối cùng hướng tới việc đạt một thỏa thuận”. Theo Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, phía Iran hiện cảm thấy Mỹ đang trao đổi những thông điệp "hàm chứa sự hiểu biết sâu hơn". Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani khẳng định vẫn có khả năng và cơ hội để khôi phục việc thực thi JCPOA.

Theo ông Nasser Kanani, nếu phía Mỹ thể hiện thiện chí chính trị, một thỏa thuận có thể đạt được trong thời gian ngắn. Quan điểm và lập trường của Iran đã được thể hiện trong các cuộc đàm phán hạt nhân và Tehran sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao như trước đây. Nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đàm phán song phương với tất cả  bên liên quan để các cuộc đàm phán đạt được kết quả. Đồng thời, Iran kiên quyết chống lại mọi nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với mục đích gây sức ép để Tehran phải thỏa hiệp.

HOÀNG VŨ