QĐND - Nỗi ám ảnh mang tên phân biệt chủng tộc dường như vẫn đeo bám nước Mỹ khi vụ việc một thanh niên da màu được cho là bị cảnh sát bắn chết mới đây đã châm ngòi cho các vụ bạo loạn đường phố liên tiếp trong những ngày qua.
Ngày 9-8, M.Brao (Michael Brown), một thanh niên người Mỹ gốc Phi 17 tuổi, đã bị một viên cảnh sát da trắng ở vùng ngoại ô Xanh Lu-i của thành phố Phơ-gu-xơn, thuộc tiểu bang Mít-xu-ri, bắn chết khi đang đi dạo cùng với bạn. Đã có nhiều luồng thông tin trái chiều về nguyên nhân của vụ việc. Theo lời kể của nhân chứng là người bạn của M.Brao, viên cảnh sát đã rút súng bắn M.Brao mặc dù người này làm theo mọi yêu cầu như giơ tay lên đầu. Trái lại, cảnh sát tuyên bố M.Brao đã tấn công và tìm cách cướp vũ khí khiến viên cảnh sát buộc phải nổ súng. Hiện danh tính của viên cảnh sát bắn chết M.Brao vẫn được giấu kín và người này cũng được cho tạm thời nghỉ việc trong thời gian tiến hành điều tra.
 |
Người dân Phơ-gu-xơn biểu tình phản đối sự bạo hành của cảnh sát trước cái chết của M.Brao. Ảnh: Roi-tơ
|
Ngay lập tức, vụ việc trên đã thổi bùng làn sóng phản đối trong người dân địa phương. Các vụ biểu tình phản đối diễn ra trong khi một số người quá khích đã kích động bạo loạn đường phố, đập phá nhiều cửa hàng, ô tô tại Xanh Lu-i và đụng độ với cảnh sát. Lực lượng an ninh đã buộc phải sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông, bắt giữ 40 đối tượng quá khích. Chỉ tính riêng rạng sáng 14-8, khoảng 350 người đã đổ ra đường phố ở Phơ-gu-xơn và tiến hành đập phá. “Tôi đã chán cảnh bị bắt nạt vì màu da của mình. Tôi phát ốm với sự bạo hành của cảnh sát và giận dữ vì những gì họ đã làm với M.Brao. Tôi sẽ tiếp tục xuống đường biểu tình hằng đêm cho đến khi công lý được thực thi”, một người biểu tình 18 tuổi tên Tơ-ren (Terrell) nói. Trong khi đó, trên mạng xã hội, các nhóm hoạt động đã kêu gọi biểu tình trên toàn nước Mỹ để phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Nhóm tin tặc Anonymous thậm chí còn đe dọa sẽ công bố toàn bộ thông tin cá nhân của lực lượng cảnh sát thành phố Phơ-gu-xơn .
Trước những diễn biến căng thẳng của vụ việc, ngày 14-8, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) đã một lần nữa kêu gọi thiết lập lại trật tự. Ông B.Ô-ba-ma khẳng định, đây là lúc "chữa trị các vết thương" và thiết lập lại cuộc sống yên bình ở Phơ-gu-xơn. Ông yêu cầu Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang (FBI) tiến hành điều tra độc lập về vụ việc. Trước đó một ngày, ông chủ Nhà Trắng cũng đã hối thúc người dân địa phương giữ bình tĩnh và không nên gây thêm các nỗi đau. Trong khi đó, người phát ngôn của FBI C.Mi-mu-ra (Cheryl Mimura) cho biết, đặc vụ liên bang đang tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ, song song với một cuộc điều tra của cảnh sát địa phương. Quan chức an ninh này nhấn mạnh, FBI sẽ huy động mọi nguồn lực hiện có để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc. Về phần mình, Bộ trưởng Tư pháp Ê.Hâu-đơ (Eric Holder) khẳng định, nhà chức trách phải có nghĩa vụ giảm căng thẳng chứ không thể để căng thẳng leo thang. Cùng ngày, chính quyền bang Mít-xu-ri đã ra lệnh thay thế toàn bộ cảnh sát Phơ-gu-xơn. AP dẫn lời Thống đốc bang Mít-xu-ri G.Ních-xơn (Jay Nixon) cho biết, quyết định được đưa ra sau khi Xanh Lu-i “biến thành một vùng chiến tranh” vì các vụ bạo động. Thống đốc G.Ních-xơn đã chỉ định Đại úy R.Giôn-xơn (Ron Johnson), một người Mỹ gốc Phi, lên nắm quyền lực lượng cảnh sát ở đây. Đại úy R.Giôn-xơn cam kết, cảnh sát sẽ tôn trọng người dân. “Tôi lớn lên ở đây và đây là nhà tôi. Điều quan trọng là chúng ta phải chấm dứt vòng xoáy bạo lực và vẫn tôn trọng người dân”, ông R.Giôn-xơn khẳng định. Gia đình nạn nhân M.Brao cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân Phơ-gu-xơn kiềm chế và yêu cầu nhà chức trách đẩy nhanh tiến trình điều tra.
Xanh Lu-i có dân số khoảng 21.000 người, trong đó, cộng đồng người Mỹ gốc Phi chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, chỉ có 3 trong tổng số 53 cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát địa phương là người da màu. Trên thực tế, tại Mỹ từng xảy ra nhiều vụ cảnh sát bắn chết người da màu, gây ra những tranh cãi trong dư luận về sự phân biệt đối xử của giới chức thực thi luật pháp vốn có phần đông là người da trắng. Theo số liệu của FBI công bố cuối năm 2009, chỉ tính riêng năm 2008, đã có tổng cộng 7.783 vụ phạm tội do thù ghét xảy ra trên lãnh thổ Mỹ, trong đó 51,3% số vụ bắt nguồn từ nguyên nhân phân biệt chủng tộc, 19,5% số vụ do thành kiến tôn giáo và 11,5% có nguyên nhân quốc tịch gốc. Trong số các vụ phạm tội đó, hơn 70% vụ nhằm vào người da đen. Năm 2008, cứ 1000 người thì có 26 người da đen bị tấn công, trong khi tỷ lệ đó ở người Mỹ da trắng chỉ 18/1000.
Thực trạng trên đã phần nào cho thấy sự phức tạp của vấn đề chủng tộc ở Mỹ, nơi được xem là “xứ sở của tự do”, như mơ ước của ông hoàng nhạc pop da màu, cố ca sĩ M.Giắc-xơn (Michael Jackson) trong bài hát “Black or White” (Đen hay Trắng) với câu hát nổi tiếng: “Dù bạn là người da đen hay da trắng, điều đó không quan trọng”.
HOÀNG VŨ