Khu vực Biển Đỏ có địa hình khá đặc biệt với hai điểm thắt nút ở hai đầu và có tới 6 quốc gia bao quanh, gồm: Yemen, Saudi Arabia, Eritrea, Sudan, Ai Cập và Djibouti. Tàu vận tải hàng hóa từ châu Á và Đông Phi phải đi qua eo biển Bab al-Mandab (nằm giữa Yemen và Djibouti) để vào Biển Đỏ, rồi tới kênh đào Suez ở bán đảo Sinai thuộc Ai Cập và giáp Israel, sang Địa Trung Hải vào châu Âu. Theo CNBC, kể từ khi kênh đào Suez đi vào hoạt động năm 1869, tuyến đường thủy này đã trở thành một trong những tuyến vận tải thương mại quan trọng nhất thế giới. 15% thương mại toàn cầu, 8% thương mại ngũ cốc, 12% thương mại dầu mỏ và 30% thương mại container toàn cầu được vận chuyển qua Biển Đỏ và kênh đào Suez mỗi năm. Hẳn nhiều người còn nhớ, sự cố tàu container Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez mùa hè năm 2021 đã gây ra hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến kinh tế thế giới thiệt hại 9,6 tỷ USD mỗi ngày.   

Do vị trí đặc biệt của nó, Biển Đỏ lâu nay vẫn là "điểm nóng" của cạnh tranh địa chính trị. Năm 2021, Ai Cập đã mở rộng căn cứ hải quân Berenice tại đây, cùng với sự phát triển rầm rộ của các cảng biển Sudan-mắt xích quan trọng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng tìm kiếm vai trò ở khu vực trung tâm Biển Đỏ thông qua việc tham gia vào hoạt động hậu cần cảng biển ở Sudan, giúp củng cố vị thế của UAE đối với vận tải thương mại đường biển. Trước đó, năm 2018, Sudan đã ký thỏa thuận 99 năm với Thổ Nhĩ Kỳ cải tạo cảng Suakin, xây dựng lưu vực biển để hỗ trợ các tàu dân sự và quân sự, giúp Ankara tạo dựng chỗ đứng trong khu vực.

leftcenterrightdel
Tàu chở hàng Galaxy Leader (phải) về tới cảng tỉnh Hodeida sau khi bị lực lượng Houthi bắt giữ ngoài khơi Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trở lại với thực tại, những cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Houthi-với lý do đáp trả những chiến dịch tấn công quân sự của Israel tại dải Gaza-đang khiến không chỉ các hãng tàu vận tải hàng đầu thế giới lo lắng mà còn khiến cả Mỹ và châu Âu đau đầu. CNBC cho hay, bất chấp sáng kiến an ninh đa quốc gia do Mỹ khởi xướng với sự tham gia của 20 nước nhằm tăng cường nỗ lực bảo vệ tuyến đường thủy trọng yếu này, đại diện lực lượng Houthi ở Yemen vẫn không tỏ ra nao núng: “Ngay cả khi Mỹ thành công trong việc huy động toàn thế giới, các hoạt động quân sự của chúng tôi sẽ không dừng lại trừ khi tội ác diệt chủng ở Gaza dừng lại và thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu được đưa vào viện trợ cho người dân Gaza”. Houthi nhấn mạnh, mục tiêu tấn công chỉ nhằm vào các tàu vận tải liên quan đến Israel, song không một ai dám chắc tên lửa của Houthi chỉ nhắm đúng mục tiêu.

Lo ngại trước những tổn thất mà các cuộc tấn công có thể gây ra, hàng loạt hãng vận tải biển hàng đầu thế giới như: BP, Maersk, Hapag Lloyd AG, Evergreen... thông báo ngừng hoạt động vận tải qua Biển Đỏ, chuyển hướng sang tuyến đường qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Evergreen thậm chí còn tuyên bố tạm ngừng nhận bất kỳ hàng hóa nào chuyển đến Israel. Hãng tàu container Phương Đông (OOCL), thuộc sở hữu của Tập đoàn vận tải COSCO (Trung Quốc) cũng đã ngừng nhận hàng hóa của Israel do lo ngại bị tấn công.

Theo thành viên Ủy ban điều hành vận tải biển Israel Yoni Esskov, khoảng 30% hàng nhập khẩu của Israel đi qua Biển Đỏ. Nếu tuyến vận tải qua Biển Đỏ tê liệt, không chỉ Israel và châu Âu phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt hàng hóa mà tác động dây chuyền của nó có thể khiến kinh tế toàn cầu chao đảo.   

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ chưa có dấu hiệu chấm dứt, cũng là lúc nhiều quốc gia trên thế giới phải tính toán cho khả năng đối phó trước “cơn bão kép” là giá cước vận tải tăng phi mã dẫn tới giá cả tiêu dùng tăng cao, cũng như nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 3 năm hỗn loạn trước áp lực lạm phát và sự gián đoạn do Covid-19, những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế thế giới đang trở nên mong manh và bất định.  

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.