Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ có quy mô lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Petr Fiala nắm quyền lãnh đạo.
Đại diện đoàn người tham gia biểu tình, gồm các chính trị gia, nhà khoa học và nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội, đã đổ lỗi cho chính phủ về cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng. Họ yêu cầu các thành viên nội các phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra và nhấn mạnh cần tổ chức bầu cử quốc hội sớm. Những người biểu tình cũng bày tỏ phản đối Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kêu gọi đất nước thực hiện quy chế trung lập về quân sự và hối thúc chính phủ đàm phán ngay lập tức với Moscow để ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang Séc.
“Mục đích cuộc biểu tình của chúng tôi là yêu cầu sự thay đổi. Séc phải giải quyết vấn đề giá năng lượng, đặc biệt là điện và khí đốt đang tăng cao. Vấn đề này có thể phá hủy nền kinh tế trong mùa thu năm nay”, Jiri Havel-một trong những người đứng đầu đám đông biểu tình-cho hay.
 |
Hàng chục nghìn người biểu tình tập trung tại Quảng trường Wenceslas, Cộng hòa Séc. Ảnh: AP |
Biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ Séc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng và việc bổ nhiệm giám đốc cơ quan tình báo dân sự nước này. Cuộc bỏ phiếu cũng cho thấy khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang thúc đẩy những bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Séc, khi giá năng lượng tăng cao ở mức chưa từng thấy trong 3 thập kỷ qua và gây ra lạm phát trên diện rộng.
Trao đổi với truyền thông, Thủ tướng Fiala, người lãnh đạo chính phủ liên minh 5 đảng trung hữu cho biết, biểu tình không giải quyết được tình hình hiện tại của đất nước, đồng thời cáo buộc các lực lượng thân Nga và chống lại lợi ích của Cộng hòa Séc đứng sau cuộc biểu tình lần này.
Đối với những cáo buộc không cố gắng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với tình trạng giá điện và khí đốt leo thang, Chính phủ Séc khẳng định đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình khoảng 15.000 crown Séc (611USD) vào mùa đông tới, cũng như lên kế hoạch triển khai các bước tiếp theo nhằm giảm áp lực tài chính.
Cộng hòa Séc hiện là quốc gia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Cách đây vài ngày, Chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch triệu tập một cuộc họp khẩn Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng của EU để thảo luận và tìm kiếm cách tiếp cận thống nhất đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Kể từ sau khi EU, NATO áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, giá năng lượng liên tục lập đỉnh mới kéo theo chi phí của hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao. Rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Trong khi đó, đời sống của người dân cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Họ buộc thắt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng vọt, đồng thời phải thực hiện một loạt biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện... Tất cả điều này đã nhen nhóm nỗi bất bình trong một bộ phận không nhỏ dân chúng châu Âu.
Theo báo cáo mới đây về chỉ số bất ổn xã hội do Verisk Maplecroft công bố, hơn 50% trong số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã chứng kiến sự gia tăng về nguy cơ bất ổn xã hội trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III năm 2022. Đặc biệt, các quốc gia châu Âu như Thụy Sĩ và Hà Lan nằm trong số những nước có nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội cao nhất trong giai đoạn tới. Chuyên gia phân tích Torbjorn Soltvedt của Verisk Maplecroft cho biết, cả Đức và Na Uy đều là những nước có nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày gây ra bởi các hoạt động phản kháng của người lao động, một xu hướng đã được thấy ở Anh. Đến mùa đông sắp tới, một số quốc gia phát triển ở châu Âu có thể chứng kiến tình trạng trên diễn biến nghiêm trọng hơn.
Mùa hè qua, công nhân ở nhiều nước châu Âu đã đình công, đòi hỏi mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ. Hàng loạt cuộc đình công ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ... đã khiến các lĩnh vực giao thông công cộng, đường sắt, y tế và hàng không gần như tê liệt.
HÀ LAN