Theo tờ Nikkei Asia, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu bảo đảm nguồn điện năng trong trung và dài hạn bằng kế hoạch tái khởi động tới 17 nhà máy điện hạt nhân từ mùa hè năm 2023. Để thực hiện mục tiêu này, đất nước mặt trời mọc đang lên kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới nhằm bảo đảm sự tự chủ về năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Cùng với đó là khả năng cho khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân đã buộc phải cho ngừng hoạt động sau thảm họa năm 2011 nhằm bảo đảm an toàn. Hiện có rất ít trong số hơn 30 nhà máy điện hạt nhân của Nhật còn hoạt động.

Chính phủ cũng sẽ xem xét việc kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hiện có. Chính phủ Nhật Bản hiện vẫn thực hiện chính sách tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân với các quy định nghiêm ngặt hơn được áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

leftcenterrightdel
Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ sau thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011. Ảnh: Kyodo

Chiến sự ở Ukraine và chi phí năng lượng tăng cao đã buộc Tokyo thay đổi quan điểm và suy nghĩ lại về chính sách đối với năng lượng hạt nhân. Phần lớn công chúng và doanh nghiệp muốn chính phủ khởi động lại các lò phản ứng để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.

Thủ tướng Fumio Kishida đã chỉ đạo các quan chức đưa ra các biện pháp cụ thể vào cuối năm nay, bao gồm cả việc “thu hút sự hiểu biết của công chúng” về năng lượng bền vững và năng lượng hạt nhân. Trên thực tế, phần lớn công chúng Nhật Bản phản đối việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima, nhưng hiện nay điều đó đã thay đổi trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng và mùa hè nóng nực cùng với các biện pháp tiết kiệm năng lượng không hề dễ chịu.

Một cuộc thăm dò của trang mạng Nikkei Asia vào tháng 3 cho thấy, 53% người Nhật được hỏi đã nói họ ủng hộ mở lại các nhà máy điện hạt nhân. Thậm chí, một số người trong Chính phủ Nhật còn coi đó là một thành phần cho quá trình “chuyển đổi xanh” mà Tokyo đang theo đuổi nhằm đáp ứng các mục tiêu về môi trường.

Trước đó, Thủ tướng Fumio Kishida từng cho biết, Nhật Bản sẽ sử dụng điện hạt nhân để giảm sự phụ thuộc của chính mình và các nước khác vào năng lượng của Nga. Trên thực tế, sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 gây ra khủng hoảng rò rỉ hạt nhân tại vùng Fukushima và buộc phải đóng cửa nhà máy điện hạt nhân ở đây, Nhật ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga.

Nhật Bản hiện phải nhập khẩu 98% nhiên liệu và đang đối mặt với một mùa đông không ít thử thách bởi giá khí hóa lỏng (LNG) tăng mạnh. Nguy cơ này càng rõ ràng trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật Bản với Nga-nước cung cấp 9% lượng LNG cho Tokyo-đã xấu đi nghiêm trọng liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine. 

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Kishida đã tuyên bố điện hạt nhân là một phần của chính sách năng lượng trong tương lai của Nhật. Ông cho biết Nhật sẽ mở rộng nguồn cung năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hạt nhân để đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện. Việc sử dụng các lò phản ứng hạt nhân sẽ trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.

Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, chỉ cần khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân hiện có cũng sẽ có tác dụng ngang với việc cung cấp 1 triệu tấn LNG mới mỗi năm cho thị trường toàn cầu.

Hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã thúc đẩy hợp tác với các đối tác Mỹ để đẩy mạnh phát triển công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới. Theo đó, Nhật hối thúc các công ty năng lượng địa phương tham gia một chương trình quốc tế về thử nghiệm các lò phản ứng nhanh và lò phản ứng module nhỏ (SMR), được các công ty Mỹ phát triển. SMR được xem là lựa chọn an toàn hơn đối với các lò phản ứng hiện nay do có công suất phát điện nhỏ hơn nhờ kích thước. 

Loại lò phản ứng này cũng có chi phí xây dựng thấp hơn và dễ lắp đặt hơn tại các khu vực xa xôi có cơ sở hạ tầng ít phát triển hơn. Các lò phản ứng nhanh là một phần của các nhà máy điện hạt nhân để tái chế nhiên liệu hạt nhân. Nhật Bản và Mỹ cũng nhất trí hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch khác như hydrogen, ammonia nhiên liệu, thu giữ carbon, sử dụng, lưu giữ và tái sử dụng carbon.

MAI NGUYÊN