Theo Newsweek, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 6-3 rằng, nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Bắc Âu, Moscow sẽ coi các địa điểm lưu trữ những vũ khí này là “mục tiêu hợp pháp”. Bà Zakharova nói rằng những cơ sở như vậy sẽ là mối đe dọa trực tiếp và sẽ bị đưa vào danh sách các mục tiêu hợp pháp trong kịch bản xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga NATO.

leftcenterrightdel

Binh sĩ Ba Lan được triển khai tới Romania như một phần của nhóm chiến đấu đa quốc gia thuộc NATO tham gia một cuộc tập trận bắn đạn thật (ảnh minh họa). Ảnh: Nato.int

Bình luận của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói rằng tư cách thành viên của quốc gia Bắc Âu này trong NATO có thể mang lại cho Helsinki “khả năng răn đe hạt nhân thực sự” bằng cách sử dụng các tên lửa của Mỹ. Tổng thống Stubb cho biết Chính phủ Phần Lan sẽ phải quyết định xem có cần thay đổi luật pháp để cho phép đặt vũ khí hạt nhân của đồng minh trên lãnh thổ nước này hay không?

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300km với Nga, đã trở thành thành viên mới của NATO vào tháng 4 năm ngoái. Tổng thống Stubb, người vừa nhậm chức đầu tháng này, trong chiến dịch tranh cử của mình đã cho biết ông sẵn sàng cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được vận chuyển qua, nhưng không được lưu trữ trên lãnh thổ Phần Lan. Ông Stubb đã nhắc lại lập trường này ngay sau khi nhậm chức. Nhưng luật pháp hiện hành của quốc gia Bắc Âu này cấm lưu trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Phần Lan đã ký một thỏa thuận quân sự với Washington, cho phép Mỹ tiếp cận không hạn chế tới 15 cơ sở trên lãnh thổ của mình để lưu trữ thiết bị quân sự và đạn dược. Bà Zakharova đã chỉ ra vào thời điểm đó rằng thỏa thuận quốc phòng về cơ bản mang lại cho Washington quyền kiểm soát toàn bộ Bắc Âu. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết chính quyền Phần Lan hiện tại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc chuyển từ quan hệ láng giềng sang đối đầu. Phần Lan quyết định nộp đơn gia nhập NATO do lo ngại về an ninh quốc gia sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022. Nga nhiều lần cảnh báo, quyết định này của Phần Lan là sai lầm bởi thực tế hai nước vốn không có mâu thuẫn đáng kể nào.

Cho đến nay, Mỹ chưa bình luận về phát ngôn nói trên của nhà lãnh đạo Phần Lan và Washington cũng chưa đề cập việc triển khai vũ khí hạt nhân ở quốc gia này. Tuy nhiên, Nga đã nhanh chóng đưa ra phản ứng cứng rắn của mình sau phát biểu của Tổng thống Stubb. Bà Zakharova nói rằng nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ được đưa vào Phần Lan hoặc một quốc gia khác ở Bắc Âu, “an ninh của các quốc gia sở hữu những vũ khí này sẽ không mạnh mẽ hơn mà ngược lại còn bị tổn hại”. Bà cũng đưa ra lời cảnh báo tới công chúng Phần Lan về những phát biểu của ông Stubb. Bà Zakharova nói: “Người dân Phần Lan nhận thức được những rủi ro mà họ sẽ phải đối mặt ở mức độ nào sẽ là một câu hỏi lớn. Quyết định như vậy sẽ thực sự kéo theo những thay đổi lớn trong tình hình an ninh của quốc gia đó và các vấn đề liên quan”. 

Moscow vẫn luôn khẳng định lập trường sẽ đáp trả việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông, tiến sát biên giới Nga. Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Việc Phần Lan trở thành thành viên NATO và có các động thái hợp tác quân sự với Mỹ càng làm gia tăng mối quan ngại này của Moscow. Cùng ngày 6-3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố “nếu có điều gì đó đe dọa sự tồn tại của đất nước thì vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng”. Theo ông, vũ khí hạt nhân được mô tả là những vũ khí cuối cùng trong học thuyết của Moscow về quản lý việc sử dụng chúng, trong đó nêu rõ rằng Nga sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc các đồng minh phải hứng chịu đòn tấn công đầu tiên.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.