Sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia thành viên đã đặt dấu hỏi về vai trò và sự cần thiết tồn tại của NATO. Trong một phát biểu gây tranh cãi năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn tuyên bố NATO đang “chết não”.

Khi còn là ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích NATO là tổ chức “lỗi thời”. Trong nhiều thập kỷ, Washington vẫn phàn nàn về việc các đồng minh châu Âu đã không đóng góp tương xứng về tài chính và quân sự để xây dựng liên minh “mà suy cho cùng được thiết kế để bảo vệ biên giới của chính châu Âu”. 

Theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu Wilson Center có trụ sở tại Washington (Mỹ), cuộc xung đột Nga-Ukraine được ví như “một cú sốc điện bất ngờ” khiến NATO “bừng tỉnh” sau thời gian “chết não”. Cùng với các hoạt động viện trợ quân sự cấp tập cho Kiev, NATO ráo riết thúc giục các nước thành viên thực hiện cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, nhằm tăng cường năng lực quân sự để sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng và xung đột.

leftcenterrightdel

Lễ kéo cờ Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 11-3. Ảnh: AFP 

Dĩ nhiên, mục tiêu này không dễ gì đạt được, khi mà trong vài thập kỷ qua, các thành viên NATO đã tỏ ra bê trễ, không còn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng như trước đây. Năm 2023, chi tiêu quốc phòng của đa số thành viên NATO (18 thành viên) không đạt ngưỡng. Chỉ một số ít thành viên có tỷ lệ chi tiêu quốc phòng cao, dẫn đầu là Ba Lan (3,9%), Mỹ (3,49%), tiếp đó là Anh, Hy Lạp...

Để so sánh, năm 1988, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO có sự tham dự của 125.000 binh sĩ. Năm 2024, cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh lạnh chỉ quy tụ khoảng 90.000 binh sĩ.

Ngày nay, với 32 quốc gia thành viên, NATO có 3,3 triệu quân nhân tại ngũ, gồm 1,9 triệu người châu Âu và 1,4 triệu người Bắc Mỹ. Trong khi năm 1988, với chỉ 16 nước thành viên, NATO đã có gần 3 triệu binh sĩ.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với việc cắt giảm 80% số vũ khí hạt nhân đặt ở Tây Âu, nhiều thành viên NATO bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, cắt giảm chi tiêu quốc phòng để ưu tiên ngân sách cho phát triển kinh tế. Đây là căn nguyên khiến quy mô lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên bị thu hẹp, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực và kho dự trữ vũ khí nghèo nàn, đẩy các nước này vào thế bị động khi phải đối mặt với nguy cơ xung đột.

Khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng không còn quá xa vời, buộc châu Âu phải suy tính kỹ lưỡng về an ninh của mình trong tương lai. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng không ngần ngại chỉ trích vai trò yếu ớt, mờ nhạt của NATO, coi khối này như một “của nợ”, thậm chí đe dọa đưa Mỹ rời khỏi NATO. Sự thiếu thiện cảm đó dường như chưa được cải thiện, khi tháng 2 vừa qua, tại một sự kiện vận động tranh cử ở Conway, Nam Carolina, cựu Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không bảo vệ những thành viên NATO không đạt mức chi quốc phòng 2% GDP, nếu ông tái đắc cử.

Với tỷ lệ đóng góp ngân sách ở mức cao và số lượng quân Mỹ đồn trú ở châu Âu tăng lên khoảng 100.000 (từ 75.000 vào tháng 2-2022), Mỹ vẫn khẳng định vai trò dẫn dắt quan trọng trong NATO. Nghịch lý là ở chỗ, nếu như xung đột Nga-Ukraine càng thôi thúc ý chí của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về quyền tự chủ chiến lược, thì trên thực tế, EU dường như ngày càng phụ thuộc vào Washington. EU đang đầu tư nhiều hơn để tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình bằng cách mua nhiều thiết bị, vũ khí của Mỹ, và do đó, củng cố ngành sản xuất quốc phòng của Mỹ, giúp túi tiền của Washington ngày một dày lên. Và “mối đe dọa mang tên Donald Trump” vẫn đang bay lơ lửng mà chưa biết lúc nào sẽ “giáng” xuống đầu NATO. Wilson Center nhận định, châu Âu sẽ không có khả năng đối phó với Nga, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Toàn bộ lực lượng quân đội châu Âu tập hợp lại chỉ đáp ứng 1/2 quy mô lực lượng cần thiết để có thể đương đầu với Moscow, trong trường hợp hai bên xảy ra xung đột.

Là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay, bên cạnh mục đích củng cố lĩnh vực phòng thủ tập thể thì còn có tác dụng trấn an các quốc gia thành viên dễ bị tổn thương về cam kết của NATO trong việc bảo vệ các thành viên. Qua đó cũng cho thấy nỗ lực tái khẳng định vai trò răn đe của liên minh quân sự lớn nhất thế giới trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ bên ngoài.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.