QĐND Online – Sáng 23-11, Quốc hội đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố.

Về nội dung lấy ý kiến, Quốc hội quyết định lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: VPQH/

Quyết định như vậy vì theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu chỉ quy định “Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” sẽ bao quát hơn, nhưng lại chưa làm nổi bật những nội dung cơ bản của Hiến pháp cần tập trung lấy ý kiến. Ngoài ra, còn lấy ý kiến cả về kỹ thuật lập hiến của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho liệt kê các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Cùng với đó, Quốc hội quy định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung có liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình hoặc những vấn đề mà cá nhân quan tâm. 

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết này; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác. 

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Trước đó, có ý kiến đề nghị nên tổ chức lấy ý kiến sớm hơn, có thể bắt đầu từ 1-12-2012 và tăng thời gian lấy ý kiến từ 3 tháng lên khoảng 4, 5 hoặc 6 tháng. Giải trình về về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc cho biết: Những lần sửa đổi Hiến pháp trước đây đều có thời gian lấy ý kiến nhân dân khác nhau. Thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 là 4 tháng; Hiến pháp năm 1992 là 2 tháng; lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001 là 1,5 tháng. Qua đó cho thấy, thời gian lấy ý kiến dài hay ngắn phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu và nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu thời gian quá ngắn thì sẽ không kịp triển khai, nhân dân không có đủ thời gian để nghiên cứu, mạn đàm, góp nhiều ý kiến; ngược lại, nếu quá dài thì dẫn đến tản mạn, hình thức và không bảo đảm tiến độ chỉnh lý. Vì vậy, đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thời gian lấy ý kiến nhân dân 3 tháng là phù hợp, vừa bảo đảm việc triển khai sâu rộng, vừa bảo đảm thời gian dành cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

XUÂN DŨNG