QĐND - Xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội là một làng thêu tay truyền thống nổi tiếng của nước ta. Chính nơi đây khoảng 500 năm trước ông Lê Công Hành (ông tổ nghề thêu tay) đã dạy những đường kim mũi chỉ thêu đầu tiên và từ đó nghề đã phát triển rộng ra cả làng. Tuy nhiên những năm trở lại đây nhiều hộ gia đình coi nghề thêu tay chỉ là nghề phụ, thanh niên không còn mặn mà với nghề.
Đặc sắc tranh thêu Quất Động
Hôm vừa rồi tôi có dịp đến làng thêu tay truyền thống xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội. Điểm riêng của làng nghề này là các dòng tranh được thêu bằng tay. Các công cụ như khung thêu, vải thêu đều thủ công. Vì vậy dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển nhưng nghề thêu tay vẫn tồn tại.
 |
Chị Hoàng Thị Thuyên, một người thêu tranh nổi tiếng ở Quất Động
|
Chúng tôi đến nhà Chị Nguyễn Thị Khuyên, một nghệ nhân thêu tranh nổi tiếng của làng. Trong căn nhà nhỏ, mọi thứ được sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp. Nổi bật lên là bức tranh thêu chân dung Bác Hồ rất có hồn treo chính diện căn nhà. Bên cạnh là những bức tranh phong cảnh được thêu rất đẹp và tinh xảo. Chị Khuyên cho biết: Để thêu những bức tranh như thế, chị cũng như những người thợ ở đây phải làm theo đúng công đoạn: Xem mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu, rồi mới tiến hành thêu, tỉa. Khi thêu ngoài sự khéo léo trong đôi tay, người thợ cũng như một họa sĩ, phải biết chọn màu, phối màu sao cho phù hợp. Đường chỉ thêu trong tranh cũng đóng một vài trò quan trọng. Đường chỉ càng điêu luyện, mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời.
Đề tài tranh Quất Động rất phong phú, từ bức tranh mang đậm hồn quê như cây đa, giếng nước, sân đình… đến những bức tranh mang hơi thở cuộc sống như cảnh gặt lúa, cảnh sinh hoạt... Những tác phẩm này dưới bàn tay của người thợ hiện lên thật mềm mại, sống động và tươi tắn.
Người biết thêu tranh ở Quất Động rất nhiều trẻ có, già có, nhiều nhất là người trung tuổi. Dân ở trong làng này bao năm truyền nghề cho thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy hầu như ở đây ai cũng biết thêu. Chị Khuyên cũng chia sẻ: Chị bị liệt bàn chân phải từ nhỏ, từ năm 6 tuổi mẹ dạy cho thêu tranh. Chị biết thêu từ đó và nghề thêu giờ đây không chỉ là niềm đam mê của chị mà còn giúp chị làm những việc có ích cho đời.
Lớp trẻ dần quay lưng với nghề
Xã Quất Động có 8 thôn làm nghề thêu tay, trong đó thôn 1 có nhiều người thêu nhất. Trước đây ở thôn này có khoảng 300 gia đình sống bằng nghề thêu tranh nhưng hiện nay chỉ còn 150/300 hộ còn gắn bó. Trong những gia đình làm nghề thêu tranh ấy, các lao động chủ yếu là phụ nữ trung tuổi và người già còn thanh niên là rất hiếm.
Ông Hoàng Viết Hùng Trưởng thôn 1 kể: Trước đây phần đông lớp trẻ đều biết thêu và chọn nghề này để phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội và cận kề xã mọc lên. Vì thế nhiều người trong số họ đã đi làm thêm cho các công ty chứ không còn mặn mà với nghề thêu tay nữa.
Một thợ thêu đã nhiều năm gắn bó với nghề thêu tranh phàn nàn: Làm nghề này thu nhập không ổn định, tôi và gia đình phải tự liên hệ để bán sản phẩm của mình trên thị trường. Khi khách đặt nhiều hàng thì vất vả lúc ít hàng thì nhàn rỗi. Mặt khác để thêu một bức tranh có giá trị phải rất kỳ công và cần thời gian cho việc giao bán sản phẩm, vì thế thu nhập trung bình hằng tháng của người thợ thêu cũng chỉ hơn một triệu đồng.
Hiện nay tranh Quất Động đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước tuy nhiên đó chỉ là sản phẩm của một số cá nhân. Còn nhiều gia đình lại rất chật vật trong tìm kiếm thị trường vì thế họ không mở rộng được sản xuất. Do đó nhiều thợ thêu phải bỏ nghề hoặc làm công nhân cho các nhà máy, cơ sở thêu tay ở nơi khác.
Anh Nguyễn Vĩnh là người sinh ra và lớn lên ở thôn Quất Động. Từ nhỏ anh đã được mẹ dạy cho nghề thêu tay. Thế nhưng khi lớn lên anh lại không lựa chọn nghề này. Vì theo anh: “Nghề thêu tranh ở Quất Động chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ cho nên nếu theo nghiệp này thì tôi chỉ đủ ăn chứ không có cơ hội làm giàu”.
Rồi anh chỉ tay đến cơ sở sản xuất Thắng Lợi, cách làng Quất Động không xa ngậm ngùi nói: Nếu như làng nghề Quất Động có những cơ sở lớn như thế thì không những tranh Quất Động sẽ bán được nhiều hơn mà thu nhập của nhân công sẽ cao hơn nhiều. Cứ như xu thế này tôi sợ rằng làng nghề thêu tay Quất Động sẽ dần mai một và đến một lúc nào đó nghề thêu tay ở Quất Động sẽ không còn.
Bài và ảnh: Thúy Liễu