Theo tờ The Jordan Times ngày 20-2, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cùng những người đồng cấp Ai Cập, Đức và Pháp đã gặp nhau bên lề Hội nghị an ninh Munich tại Munich (Đức) để thảo luận các biện pháp nhằm nối lại đàm phán giữa Palestine và Israel. Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Jordan, Ai Cập, Đức và Pháp bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng trên thực địa. “Trong bối cảnh này, chúng tôi kêu gọi các bên khẩn trương nối lại các cuộc đàm phán nghiêm túc, ý nghĩa và hiệu quả dưới hình thức đàm phán trực tiếp hoặc thông qua sự bảo trợ của Liên hợp quốc”, tuyên bố nêu rõ.
Ngoại trưởng 4 nước bày tỏ mong muốn có thêm các biện pháp xây dựng lòng tin “trên cơ sở những cam kết có qua, có lại” với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và nối lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Các ngoại trưởng kêu gọi kiềm chế mọi hành động đơn phương phá hoại giải pháp hai nhà nước cũng như triển vọng của một nền hòa bình công bằng và lâu dài, đặc biệt là việc xây dựng và mở rộng các khu định cư, tịch thu đất đai và trục xuất người Palestine khỏi nhà cửa của họ cũng như bất kỳ hành động bạo lực và kích động nào.
 |
Từ trái sang: Ngoại trưởng các nước Pháp, Ai Cập, Đức và Jordan tại cuộc gặp bên lề Hội nghị an ninh Munich. Ảnh: Jordan News Agency |
Ngoại trưởng Jordan, Ai Cập, Đức và Pháp nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tỵ nạn Palestine thuộc Liên hợp quốc (UNRWA) cũng như sự cần thiết phải hỗ trợ về chính trị và tài chính để cơ quan này tiếp tục sứ mệnh cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người tỵ nạn Palestine.
Jordan, Ai Cập, Đức và Pháp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp ước hòa bình giữa các nước Arab và Israel góp phần giải quyết xung đột Israel-Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện và lâu dài. “Chúng tôi nhấn mạnh cam kết ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện, tôn trọng các quyền hợp pháp của tất cả các bên dựa trên giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận đã đạt được.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên để mở ra triển vọng thực tế cho việc nối lại một tiến trình chính trị tin cậy. Chúng tôi nhấn mạnh, việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài là mục tiêu chiến lược, vì lợi ích của tất cả các bên, có ý nghĩa then chốt đối với an ninh và ổn định trong khu vực”, tuyên bố nêu rõ.
Xung đột Israel-Palestine vẫn luôn là một nút thắt lớn tại Trung Đông trong suốt nhiều năm qua. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với “thỏa thuận thế kỷ” công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, “bật đèn xanh” cho Israel sáp nhập đất đai ở khu Bờ Tây, ngừng giải ngân khoản viện trợ cho Palestine và đóng cửa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington đã đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đẩy các cuộc đàm phán Israel-Palestine rơi vào bế tắc.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, những thay đổi trong chính sách của Washington như ủng hộ trở lại đối với giải pháp hai nhà nước, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tăng cường viện trợ cho Palestine đã đem lại tia hy vọng “hồi sinh” tiến trình hòa bình Trung Đông.
Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có một bước đi cụ thể nào để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, nối lại các cuộc hòa đàm bế tắc nhiều năm qua, hay giải quyết các vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột liên quan tới khu định cư Do Thái, Đông Jerusalem hay hồi hương người tỵ nạn Palestine. Trong khi đó, mâu thuẫn âm ỉ giữa Israel và Palestine luôn có nguy cơ bùng phát thành “chảo lửa xung đột” đe dọa nền hòa bình ở Trung Đông mà ví dụ điển hình là cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas của Palestine ở dải Gaza hồi tháng 5-2021.
HOÀNG VŨ