Ngày 15-1, ông Jalil Rahimi Jahan-Abadi, thành viên Ủy ban An ninh và Chính sách đối ngoại thuộc Quốc hội Iran xác nhận Tehran và Riyadh đang trên đà khôi phục quan hệ song phương và chuẩn bị cơ sở cho kế hoạch mở lại đại sứ quán của hai nước. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thông báo Tehran và Riyadh đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ về một số vấn đề trong tiến trình đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước và “đang chờ hoàn thiện” những thỏa thuận này.
Đây là những tín hiệu tích cực mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia luôn tranh giành vai trò ảnh hưởng ở khu vực kéo theo những hệ lụy khôn lường. Căng thẳng giữa hai nước bùng phát năm 2016 khi Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người có quan hệ gần gũi với Iran. Saudi Arabia cũng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị người biểu tình tấn công để phản đối vụ việc trên.
 |
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (bên trái) và Quốc vương Salman của Saudi Arabia (ảnh minh họa). Ảnh: AP |
Mâu thuẫn càng đẩy lên cao sau khi Mỹ-đồng minh truyền thống của Saudi Arabia-năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran. Saudi Arabia được cho là ủng hộ Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận để buộc Iran trở lại đàm phán sửa đổi nội dung thỏa thuận. Không ủng hộ thỏa thuận ban đầu, Saudi Arabia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn, với các tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời cho biết các quốc gia Arab sẽ tham gia đàm phán thỏa thuận bảo đảm hạn chế cả chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Cả hai quốc gia được cho là hậu thuẫn các phe đối địch nhau trong các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông và các cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, Lebanon và Iraq. Saudi Arabia dẫn đầu một liên minh các nước Arab tiến hành cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn tại Yemen từ năm 2015.
Iran và Saudi Arabia bắt đầu can dự đối thoại ở mức cao nhất kể từ tháng 4-2021 và chính phủ hai nước thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin cũng như có các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin từ hai phía. Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên của các quan chức Saudi Arabia và Iran diễn ra ngày 9-4-2021, tại thủ đô Baghdad của Iraq, theo sáng kiến của nước chủ nhà.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán diễn ra, phía Saudi Arabia đã có những động thái cho thấy thiện chí mong muốn cải thiện với quốc gia láng giềng. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã phát tín hiệu hòa giải tới quốc gia láng giềng Iran với tuyên bố rằng ông tìm kiếm mối quan hệ "hữu nghị" với Iran, sau khi các nguồn tin cho biết hai bên đã có những cuộc đàm phán bí mật tại thủ đô Baghdad của Iraq. Thái tử Salman nêu rõ: “Iran là một nước láng giềng và tất cả chúng tôi đều muốn có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Iran. Chúng tôi không muốn tình hình Iran trở nên khó khăn. Ngược lại, chúng tôi muốn Iran phát triển... và thúc đẩy khu vực cũng như thế giới tiến tới thịnh vượng”.
Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng khẳng định, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo luôn hoan nghênh đối thoại với Vương quốc Saudi Arabia, bởi điều này mang lại lợi ích cho người dân hai nước cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực.
Động thái xích lại gần nhau giữa Iran và Saudi Arabia được trông đợi sẽ tạo ra những tác động quan trọng và tích cực đối với nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực cũng như củng cố khối đoàn kết giữa các quốc gia Hồi giáo. Hồi tháng 10 năm ngoái, Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh tiến trình đàm phán khôi phục quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia có vai trò quan trọng và “thực sự cần thiết đối với ổn định khu vực”.
XUÂN PHONG