Cô bé Parwana Malik có đôi mắt to, khuôn mặt bầu bĩnh. Có lẽ chính sự đáng yêu này của cô bé đã khiến người đàn ông 55 tuổi tên là Qorban để ý. Để lấy cô bé về làm vợ hai, Qorban đồng ý trả cho ông Abdul Malik, cha của Parwana, cừu, đất và tiền với tổng trị giá 2.200USD. Vì túng quẫn, ông Abdul buộc phải bán con bất chấp sự ngăn cản của vợ và sự cầu xin của cô bé. Hai tuần làm vợ là thời gian sống trong địa ngục của cô bé Parwana. “Họ đối xử rất tệ với cháu. Họ chửi bới, đánh thức cháu dậy rất sớm và bắt cháu làm việc”, Parwana nói.
 |
Cô bé Parwana 9 tuổi bị cha bán cho một người đàn ông 55 tuổi khi gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Ảnh: CNN. |
Câu chuyện trên đã được kênh truyền hình CNN của Mỹ phát sóng gần đây và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trước sự chỉ trích gay gắt của dư luận, ông Qorban đã bỏ trốn. Sau đó, với sự giúp đỡ của tổ chức TYTW, Parwana được đưa về với gia đình. Gia đình cô bé được các nhân viên của tổ chức TYTW đưa tới một ngôi nhà ở Herat-thành phố lớn thứ ba ở Afghanistan. “Cháu thấy rất hạnh phúc khi ở trong ngôi nhà này. Họ đã cho cháu cuộc sống mới”, Parwana nói. Đây là lần đầu tiên cô bé được ở trong một ngôi nhà đúng nghĩa.
Theo TYTW, gia đình cô bé Parwana sẽ ở lại Herat trong những tháng mùa đông và được sự hỗ trợ, bảo vệ bởi tổ chức này. Tuy nhiên, TYTW chưa có kế hoạch dài hạn cho gia đình Parwana bởi mọi chuyện còn phụ thuộc vào các nguồn tài trợ.
Parwana là một trong nhiều nạn nhân của nạn tảo hôn và cô cũng nằm trong số ít người may mắn được trở về với gia đình. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn ở Afghanistan là do cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám người dân nước này từ nhiều năm qua.
Theo CNN, nền kinh tế Afghanistan bị tổn thương nghiêm trọng kể từ giữa tháng 8-20121, sau khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát đất nước. Hàng tỷ USD tài sản của ngân hàng Trung ương gửi ở nước ngoài bị đóng băng khiến các ngân hàng trong nước cạn kiệt tiền mặt, còn người lao động không được nhận lương trong nhiều tháng qua. Một báo cáo gần đây của IPC, tổ chức chuyên đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực, dự báo, đến tháng 3-2022, hơn một nửa trong khoảng 39 triệu dân Afghanistan sẽ phải đối mặt với nạn đói.
“Đó là lý do giải thích vì sao các bé gái ở Afghanistan đang trở thành món hàng để đổi lấy thực phẩm, bởi vì nếu không làm vậy, gia đình họ sẽ chết đói”, Mahbouba Seraj, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan cho hay. Theo bà Seraj, các bé gái bị ép kết hôn thường phải chịu rất nhiều đau khổ, ngược đãi và lạm dụng. Một số em bị ép buộc kết hôn đã chết khi sinh con do cơ thể của họ quá nhỏ để có thể chịu đựng một cuộc “vượt cạn”.
Không chỉ trẻ em gái, phụ nữ Afghanistan trong nhiều thập kỷ bị coi như tài sản dùng để trả nợ máu hoặc chấm dứt tranh chấp, thù hận giữa các bộ tộc. Trước thực trạng trên, Taliban tuyên bố sẽ chống lại điều này. Ngày 3-12 vừa qua, lãnh đạo tối cao Taliban Hibatullah Akhunzada đã ra sắc lệnh cấm ép buộc phụ nữ kết hôn thông qua hành vi cưỡng bức hoặc gây áp lực. Tuy nhiên, sắc lệnh không đề cập đến độ tuổi tối thiểu để kết hôn, vốn được chính phủ cũ của Afghanistan quy định là 16 tuổi. Sắc lệnh được đánh giá là động thái nhằm đáp ứng tiêu chí mà các quốc gia phát triển đặt ra để công nhận chính quyền của Taliban và khôi phục viện trợ cho Afghanistan.
Trong khi chờ đợi những đổi thay từ sắc lệnh trên, cô bé Parwana mong muốn trở lại trường học và ước mơ sau này trở thành bác sĩ giúp đỡ mọi người. Đó cũng là quyết tâm vượt qua nghịch cảnh cuộc sống của nhiều trẻ em gái Afghanistan.
PHƯƠNG VŨ