Theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây công bố kế hoạch chi tiêu quốc phòng trong trung hạn cho giai đoạn 2024-2028. Trong giai đoạn 5 năm tới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến chi tổng cộng 348,7 nghìn tỷ won (hơn 268 tỷ USD). Kế hoạch này không nằm ngoài mục tiêu tăng mức chi tiêu quốc phòng hằng năm của xứ sở kim chi. Theo đó, từ con số 57 nghìn tỷ won trong năm 2023, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc trong các năm 2024, 2025, 2026, 2027 và 2028 sẽ lần lượt tăng lên 59,6 nghìn tỷ won; 64,3 nghìn tỷ won; 70 nghìn tỷ won; 74,8 nghìn tỷ won và 80 nghìn tỷ won. Như vậy, trong giai đoạn 5 năm tới, mức tăng chi tiêu quốc phòng trung bình hằng năm của Hàn Quốc lên tới 7%. Kế hoạch chi tiêu cho giai đoạn 2024-2028 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cần có sự phê chuẩn của Quốc hội nước này.
Theo trang mạng Defense News, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp xây dựng "quân đội mạnh và sẵn sàng chiến đấu", tạo điều kiện để quân đội nước này tái cấu trúc nhằm "tạo ra những đơn vị chiến lược và lực lượng hiện đại".
Yonhap cho biết, trọng tâm của kế hoạch chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2024-2028 là củng cố hệ thống răn đe "3 trục" của quân đội Hàn Quốc. Hệ thống "3 trục" gồm: Trừng phạt và trả đũa quy mô lớn-kế hoạch tác chiến nhằm vô hiệu hóa bộ máy lãnh đạo của đối phương, Kill Chain (tạm dịch: Chuỗi tiêu diệt)-kế hoạch tấn công phủ đầu trong tình huống khẩn cấp, cùng hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không.
 |
Binh lính Hàn Quốc và vũ khí tham gia duyệt binh tại thủ đô Seoul, ngày 26-9-2023. Ảnh: Getty Images
|
Kế hoạch chi tiêu quốc phòng giai đoạn 2024-2028 hướng tới các dự án trang bị bổ sung cho quân đội Hàn Quốc nhiều loại vũ khí, khí tài mới. Một số dự án được kể đến là mua 5 vệ tinh trinh sát quân sự vào năm 2025, hoàn thành việc triển khai các tên lửa đất đối đất chiến thuật được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trong đường hầm của đối phương, bắt đầu triển khai các tàu ngầm KSS-III Batch-II có khả năng mang nhiều tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc cũng có kế hoạch mua thêm các máy bay tiêm kích tàng hình tân tiến và phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại mới, ví dụ như máy bay không người lái "tự sát". Là một phần trong nỗ lực thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng sẽ cố gắng hoàn thành việc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung M-SAM II và tên lửa đất đối không tầm xa L-SAM vào năm 2028. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ tìm cách phát triển các hệ thống M-SAM-III và L-SAM-II cải tiến trong vòng 5 năm tới. Về cơ cấu lực lượng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có kế hoạch duy trì số lượng binh lính tại ngũ ở mức 500.000 người như hiện nay trong bối cảnh lo ngại về sự sụt giảm nguồn nhân lực do tỷ lệ sinh thấp tại nước này.
Kế hoạch chi tiêu quốc phòng cho giai đoạn 2024-2028 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tăng 17,3 nghìn tỷ won so với kế hoạch cho giai đoạn 2023-2027 được công bố hồi cuối năm ngoái. Trang mạng Defense News nhận định, động thái điều chỉnh chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc xuất phát từ bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trong chiến lược an ninh quốc gia được chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol công bố hồi giữa năm nay, Hàn Quốc nhận định bối cảnh môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. Theo Yonhap, những nét đặc trưng của bối cảnh này được Hàn Quốc xác định là năng lực hạt nhân của Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược cường quốc cùng các vấn đề an ninh mới nổi như gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu. Chiến lược nhấn mạnh "tầm quan trọng hơn bao giờ hết" trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của quân đội nước này. "Việc Hàn Quốc tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó chú trọng mua sắm quốc phòng, phản ánh nỗ lực của nước này nhằm bắt kịp với những thách thức an ninh đang biến đổi trong khu vực", Tạp chí Asia Pacific Defence Reporter dẫn lời nhà phân tích Akash Pratim Debbarma thuộc công ty phân tích dữ liệu quốc phòng GlobalData.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.