Trong những năm gần đây, Pakistan lâm vào tình trạng bất ổn kinh tế. Tham nhũng, quản lý yếu kém, đại dịch Covid-19, khủng hoảng năng lượng toàn cầu và thiên tai đều gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này.

Đảm nhận chức Thủ tướng Pakistan từ tháng 4-2022 sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị phế truất trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, ông Sharif cũng đã mãn nhiệm hồi tháng 8-2023. Trong nhiệm kỳ kéo dài 16 tháng, ông Sharif đã đàm phán với IMF để đạt được sự chấp thuận cho vay 3 tỷ USD từ định chế tài chính này. Tuy nhiên, quá trình giải ngân đã gặp những thách thức lớn khi Chính phủ Pakistan phải áp dụng nhiều biện pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn vay vốn, đẩy cuộc sống của hộ nghèo và trung lưu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những người nghèo tại quốc gia này đang phải gánh chịu chi phí tăng vọt của các mặt hàng thiết yếu, khiến nhiều người không thể mua được mặt hàng thực phẩm cơ bản và thanh toán hóa đơn tiền điện.

Hiện nay, Pakistan đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế khi lạm phát vẫn ở mức cao 30% trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tại một chợ nông sản ở Karachi của Pakistan, nhiều người dân cho rằng giá cả trong năm nay sẽ còn tăng cao hơn so với năm ngoái, đồng thời bày tỏ chính phủ mới sẽ đưa ra các quyết sách để giải quyết vấn đề lạm phát. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quốc gia Nam Á này hiện rất cần một thỏa thuận mới với IMF để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn do lạm phát tăng cao. Chương trình hỗ trợ hiện tại của IMF trị giá 3 tỷ USD đối với Pakistan sẽ hết hạn vào tháng 4 tới.

Trong bối cảnh trên, nhiệm vụ nặng nề của Thủ tướng Sharif ở nhiệm kỳ hai là phải đàm phán với IMF về khoản vay mới nhằm củng cố kinh tế đất nước. “Chúng ta được giao nhiệm vụ cải thiện nền kinh tế và đây là ưu tiên hàng đầu của chính phủ”, ông Sharif nhấn mạnh trong cuộc họp cấp cao vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 4-3.

leftcenterrightdel

Tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định cải thiện nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ảnh: PTI 

Theo Thủ tướng Pakistan, ưu tiên hàng đầu của ông là nhanh chóng đưa ra kế hoạch hành động khẩn cấp để điều chỉnh tình hình kinh tế chung của đất nước và cải thiện các chỉ số kinh tế. Chính phủ Pakistan cũng sẽ thúc đẩy đầu tư và cung cấp cơ sở vật chất cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì theo ông Sharif, “những người nộp thuế đang làm việc để tăng cường xuất khẩu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế đất nước, là những người quan trọng nhất đối với chính phủ”. Những người nộp thuế như vậy cần được khuyến khích ở cấp chính phủ.

Bên cạnh đó, ông Sharif nhấn mạnh rằng tất cả ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước đang được tham gia vào quá trình chuẩn bị chiến lược thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giới trẻ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Theo đó, các biện pháp sẽ được thực hiện trên cơ sở khẩn cấp để cung cấp cơ sở vật chất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và giới trẻ. Về các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước thua lỗ, Thủ tướng Sharif nói rằng các tổ chức chính phủ không tăng trưởng mà lại thua lỗ sẽ được tư nhân hóa để không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Ông cho biết một ủy ban đang được thành lập để đưa ra chiến lược rõ ràng nhằm giảm bớt đặc quyền của các thành viên hội đồng quản trị trong các tổ chức nhà nước. Tân Thủ tướng Pakistan cũng khẳng định sẽ giảm quy mô của chính phủ bằng cách sáp nhập hoặc đóng cửa các tổ chức không còn cần thiết.

Bày tỏ sự tin tưởng chính phủ mới sẽ phục hồi nền kinh tế và mang lại sự ổn định cho đất nước, ông Ahsan Iqbal, một lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) nói: “16 tháng dưới sự lãnh đạo của ông Sharif trước đây là bằng chứng cho thấy chính phủ liên minh đã cứu đất nước khỏi tình trạng vỡ nợ và đưa nền kinh tế vào con đường ổn định”.

Theo nhận định của ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson, có trụ sở ở Washington (Mỹ), PML-N không thiếu không gian chính trị để thực hiện cải cách và sẽ đưa ra các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” vừa đủ để đáp ứng những yêu cầu của IMF đối với một khoản vay mới. Trọng tâm chính sẽ là thu hút thêm đầu tư và các quỹ cứu trợ mới.

Tuy nhiên, ông Kugelman cho rằng, việc giải quyết tình hình an ninh sẽ phụ thuộc vào sự đồng thuận mạnh mẽ giữa giới lãnh đạo dân sự và quân sự. “Sự đồng thuận đó có thể sẽ có, ít nhất là vào giai đoạn đầu. Nhưng mục tiêu thu hút sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với hoạt động chống khủng bố sẽ khó thực hiện nếu chính phủ mới không lấy được lòng dân”, ông Kugelman nhận định.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.