Đụng độ bùng phát tại khu vực cửa khẩu Tô-kham (Torkham) tối 12-6 và kéo dài hai ngày tiếp theo, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai bên tại khu vực này liên quan đến việc xây cổng bên phía Pa-ki-xtan. Theo chỉ huy cảnh sát miền Đông Áp-ga-ni-xtan, ông Mô-ha-mát Ai-úp Hu-xa-in Khin (Mohammad Ayub Hussain Khil), 2 cảnh sát Áp-ga-ni-xtan đã thiệt mạng và 9 người bị thương trong các cuộc giao tranh bắt đầu từ ngày 12-6 và đến sáng 14-6. Quan chức này cũng cho biết cửa khẩu Tô-kham sẽ đóng cho đến khi căng thẳng dịu bớt. Trong khi đó, giới chức an ninh thành phố Pê-sa-oa (Peshawar) ở Tây Bắc Pa-ki-xtan cho biết một sĩ quan quân đội Pa-ki-xtan đã thiệt mạng và 18 người bị thương, trong đó có nhiều dân thường. Phía Pa-ki-xtan cáo buộc lực lượng Áp-ga-ni-xtan đã bắn pháo vô cớ vào lực lượng Pa-ki-xtan ở cửa khẩu Tô-kham tối 12-6 làm bị thương ít nhất 2 binh sĩ và 9 dân thường nước này.

  Khu vực cửa khẩu Tô-kham bị đóng cửa gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Dawn.com

Quân đội Pa-ki-xtan khẳng định việc xây cửa tại Tô-kham nhằm ngăn chặn "các phần tử khủng bố" qua lại cửa khẩu biên giới tấp nập này. Tô-kham là một trong những cửa khẩu chính giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, nơi hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải và hàng ngàn người dân qua lại giữa hai nước.

Trước đó, ngày 13-6, tờ The Express Tribune đưa tin, quan chức điều hành cấp cao (chức danh tương đương Thủ tướng) của Áp-ga-ni-xtan, ông A.Áp-đu-la (Abdullah Abdullah), tuyên bố nước này và Pa-ki-xtan đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực cửa khẩu Tô-kham và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao.

Phát biểu tại Hội đồng Bộ trưởng Áp-ga-ni-xtan, ông A.Áp-đu-la nói: “Chúng tôi đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn với Pa-ki-xtan và hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết thông qua những nỗ lực ngoại giao”. Ông A.Áp-đu-la nêu rõ: “Pa-ki-xtan muốn xây dựng các cơ sở mới, song lực lượng biên phòng Áp-ga-ni-xtan đã không cho phép họ thực hiện. Đáp lại, Pa-ki-xtan đã nổ súng vào lực lượng Áp-ga-ni-xtan”. Theo ông A.Áp-đu-la, Ca-bun đã thông báo vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao song “Pa-ki-xtan không hành động theo thỏa thuận song phương đạt được giữa hai nước”. Tranh cãi về nguyên nhân giữa hai bên hiện vẫn chưa chấm dứt.

Tháng trước, khu vực biên giới này cũng đã bị đóng cửa do các cuộc đụng độ tương tự, nhưng đã được mở lại sau khi hai nước nhất trí tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại đây và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp ngoại giao.

Không phải bây giờ biên giới hai nước mới căng thẳng, gần đây nhất, vào cuối tháng 10-2015, đã xảy ra một vụ đấu súng dữ dội trên biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan. Vụ đấu súng trên bắt nguồn từ phía Áp-ga-ni-xtan, nhằm vào một chốt an ninh ở khu vực bộ lạc bất ổn thuộc tỉnh Nam Oa-di-ri-xtan (Waziristan), làm 7 binh sĩ Pa-ki-xtan thiệt mạng. Cho đến giờ vẫn chưa rõ vụ đấu súng bắt nguồn từ lực lượng nào. Phía Pa-ki-xtan nhấn mạnh, khu vực biên giới hai nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trước vụ tấn công trên 2 tháng, đã từng xảy ra vụ tấn công bằng rốc-két xuyên biên giới do phiến quân tiến hành nhằm vào một chốt an ninh ở khu vực bộ lạc Khai-bơ (Khyber), làm ít nhất 4 binh sĩ Pa-ki-xtan thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Khu vực biên giới bất ổn giữa hai nước khiến nước Mỹ lo lắng đây sẽ là mảnh đất “màu mỡ” cho khủng bố tồn tại và phát triển. Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan, Tướng G.G.Căm-beo (John F.Campbell) từng khẳng định, tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại I-rắc và Xy-ri đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch tuyển quân tại khu vực Nam Á, trong đó có cả Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, song chưa có biểu hiện cụ thể.

Tướng Căm-beo cho hay, IS đang phát động một chiến dịch truyền thông xã hội tinh vi nhằm thu hút các tay súng Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, tập trung vào những đối tượng có thể “tẩy não” và dễ “tuyển dụng”. Phát biểu với báo giới, ông Căm-beo cho rằng, nếu không quản lý chặt, rất có thể nhiều tay súng trong hàng ngũ Ta-li-ban sẽ quay sang trung thành với IS. Rõ ràng, không nước nào muốn điều này xảy ra.

NGUYỄN HÒA