* Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật KH&CN (sửa đổi)
QĐND - Sáng 11-4, tiếp tục trong phiên họp thứ 17, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm.
Trong phần thảo luận, có nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật Việc làm cần nói rõ hơn tính khả thi, tính thực tiễn về việc làm cũng như thị trường lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Dự án luật này sẽ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, việc làm cho người dân, mang ý nghĩa chính trị, xã hội. Do đó, luật phải thể hiện tính thực tiễn nảy sinh trong quá trình thực hiện, phải có tính khả thi. Tuy nhiên, trong dự thảo, một số điều có tính khả thi không cao, cần cụ thể hơn những thông tin về thị trường lao động hoặc các tác động của chính sách, nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến ngân sách cũng như những chính sách tiền tệ. Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, trong Chương 5 có đề cập đến việc hình thành những trung tâm dịch vụ và đây là đơn vị dịch vụ công, vì vậy cần nói rõ mô hình tổ chức, quy mô như thế nào? Nguồn lực, ngân sách Nhà nước để duy trì hoạt động những trung tâm này cũng cần phải được làm rõ, tránh trùng lắp về nghiệp vụ.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo, tiếp thu nghiêm túc từng vấn đề mà UBTVQH đã kết luận trong phiên họp ngày 5-10-2012, nhiều nội dung được thay đổi; đối tượng đã được xác định rõ và có sự tương thích, thống nhất với những luật khác như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội…; quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc đã bám sát vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Luật Việc làm có ý nghĩa nhân văn về quyền con người cũng như ý nghĩa quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, dự thảo luật cần hạn chế những điều liên quan đến nghị quyết, cần cụ thể hóa những chủ trương của Đảng và thu hẹp lại phạm vi, đối tượng.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, luật cần phải thể hiện rõ tình hình việc làm hiện nay, các đối tượng trong khu vực doanh nghiệp và Nhà nước là khác nhau, do đó biện pháp giải quyết cũng khác nhau. Khi người lao động đã có việc làm thì có thể hỗ trợ doanh nghiệp để giữ việc làm cho người lao động. Khi người lao động thất nghiệp thì hỗ trợ để người lao động có việc làm mới. Cần phải có chính sách hỗ trợ nhiều mặt để nhanh chóng đưa lao động nông thôn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ để giảm lao động nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể có việc làm bền vững nếu không qua đào tạo. Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay ở nước ta là lao động đã qua đào tạo hầu hết không làm được việc và phải đào tạo lại.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo cần phải đưa ra chính sách, biện pháp phù hợp với từng đối tượng lao động, thống nhất đồng bộ với các văn bản luật khác để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi của luật này; đồng thời cân đối nguồn lực để thực hiện.
* Trong phiên họp chiều 11-4, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Về nội dung đề nghị bổ sung hình thức đấu thầu thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đây là hoạt động đặc thù, có nhiều rủi ro và trong quá trình thực hiện có thể phải điều chỉnh nội dung thực hiện, phát sinh chi phí. Trong khi đó, yêu cầu của đấu thầu là phải xác định được các định mức, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật của sản phẩm cũng như thời gian, phương thức thực hiện và giá thành gói thầu. Vì vậy, các tiêu chí đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu không phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN...
Liên quan đến điều khoản quy định Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng chỉ các doanh nghiệp nhà nước mới buộc phải thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Doanh nghiệp ngoài Nhà nước được khuyến khích trích thu nhập tính thuế để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình (nhưng không quy định mức tối đa được trích) hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của quỹ. Để khắc phục tình trạng không phát huy được hiệu quả sử dụng quỹ, dự thảo luật quy định doanh nghiệp có toàn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh, Luật KH&CN (sửa đổi) cần có quy định rõ sự phối hợp của Bộ KH&CN với các Bộ liên quan trong việc đề xuất dự toán chi ngân sách nhằm phân định rõ trách nhiệm trong việc lập dự toán cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, quy định rõ hơn thẩm quyền của Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý kinh phí đầu tư cho KH&CN và sử dụng kinh phí sai mục đích; tăng cường vai trò của Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước trong việc sử dụng kinh phí Nhà nước cho KH&CN.
Về ý kiến đề nghị của Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về sự cần thiết phải xác định địa vị pháp lý của Viện Hàn lâm khoa học trong Luật KH&CN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên đưa vào Luật KH&CN. Bởi, việc thành lập Viện Hàn lâm khoa học cũng như là quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì đây là tổ chức KH&CN cấp quốc gia do Chính phủ thành lập. Về danh hiệu thi đua và danh hiệu Nhà nước, cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không nhất thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo luật mà để các văn bản pháp luật khác quy định.
Cũng trong phiên họp chiều 11-4, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.
MINH MẠNH – XUÂN ĐỨC