 |
Con tàu 6.000 tấn này đang được tháo dỡ để thu phế liệu |
QĐND
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn chỉ đạo yêu cầu “tái xuất và thực hiện các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật” đối với các trường hợp nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, về cảng sau ngày 30-11-2006. Chỉ đạo trên chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường. Trước đó, việc cho nhập hay không cho nhập tàu cũ để phá dỡ đã là đề tài tranh luận quyết liệt giữa những người quản lý môi trường và các doanh nghiệp liên quan.
Những cảnh báo về môi trường
Trong công văn chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ các trường hợp nhập khẩu tàu cũ đã về cảng trước ngày 30-11 thì được làm thủ tục thông quan, nhưng đồng thời sẽ xử phạt hành chính với những tàu được nhập về sau ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2006). Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu phải cùng các địa phương có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Đánh giá của các tổ chức quốc tế cho rằng, hoạt động phá dỡ tàu biển có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển và trên đất liền. Hoạt động đó tạo ra nhiều chất thải nguy hại như: A-mi-ăng, chì, thủy ngân, kẽm, thạch tín, xăng, dầu... Đồng thời, hoạt động phá dỡ tàu cũ hàm chứa nguy cơ gây các tai nạn cho công nhân và cộng đồng dân cư chung quanh do trực tiếp tiếp xúc với các chất độc hại và sự cố nguy hiểm, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiệp hội thép Việt Nam đánh giá phế liệu thép từ tháo dỡ tàu cũ là một nguồn vô cùng quan trọng để cung cấp phôi cho ngành sản xuất thép còn non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên về vấn đề môi trường, các doanh nghiệp nhập tàu cũ thừa nhận trên một con tàu được tháo dỡ thì tỷ lệ vật liệu tận dụng lại được chiếm khoảng 95% khối lượng với các thành phần phế liệu như: máy móc, thép, cao su, dây điện… còn lại khoảng 5% là rác thải không thể tận dụng được. Như vậy, nếu nhập về một con tàu là 5.000 tấn thì lượng rác thải sẽ lên tới 250 tấn. Nếu không có biện pháp xử lý tốt thì lượng rác thải này là gánh nặng không nhỏ đối với môi trường.
Doanh nghiệp hứa chấp hành tốt quy định về môi trường nếu được tiếp tục
Hải Phòng có lẽ là địa phương dẫn đầu cả nước về ngành công nghiệp phá dỡ tàu cũ. Ngành nghề này nở rộ ở Hải Phòng từ những năm 2000-2001. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại đất cảng hiện có khoảng 25 doanh nghiệp nhập khẩu tàu cũ. Có doanh nghiệp mỗi năm nhập hàng chục ngàn tấn tàu. Ven bờ sông của thành phố có rất nhiều “bãi tha ma” chuyên là bến đáp của những con tàu “lão”, chờ được “hóa kiếp”. Sở dĩ họ “say mê” nhập tàu như vậy vì đơn giản, nghề này đem lại lợi nhuận cao.
Các doanh nghiệp nhập khẩu tàu cũ cho biết dù việc nhập khẩu tàu cũ nguyên chiếc đã bị cấm nhưng hiện nay họ vẫn chưa có kế hoạch gì trong việc chuyển đổi ngành nghề. Ông Lâm Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Duy Linh (một doanh nghiệp mạnh trong nhập khẩu tàu cũ) than thở ông đang rất đau đầu bởi vẫn chưa biết kinh doanh ngành nghề nào cho thích hợp. Theo ông, trong thời buổi hiện nay, chuyển ngành gì cũng “vạn sự khởi đầu nan”, lại phải thiết lập mối quan hệ làm ăn từ đầu. Cũng đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Hùng cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu tàu cũ vẫn có thể tìm được các ngành nghề kinh doanh mới nhưng rõ ràng rất khó khăn để chập chững đi những bước đầu tiên.
Giới doanh nghiệp nhập tàu cũ cho biết sẽ gửi Chính phủ đề xuất thành lập một khu phá dỡ tàu cũ có quy mô, đáp ứng các tiêu chuẩn về xử lý môi trường. Trong đó, họ sẽ kiến nghị cơ quan quản lý tiến hành phân loại tàu, chỉ cấm nhập những tàu biển đã từng chuyên chở các chất độc hại, tàu chở dầu, tàu quân sự, còn tàu chở khách, tàu chở công-te-nơ, tàu cá thì vẫn nên cho phép nhập. Công ty Nam Ninh cho biết đã có kế hoạch kết hợp với đối tác Đức để thực hiện dự án biến rác thải thành dầu diezen trị giá khoảng 5 triệu EURO. “Nếu dự án này được thực hiện thì sẽ là một hướng tốt để giải quyết vấn đề rác thải từ những con tàu cũ”.
Trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta sẽ luôn gặp phải những mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường. Làm thế nào để kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này, hướng tới sự phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi những nhà quản lý và các doanh nghiệp cần đối thoại trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau để tìm ra phương thức đúng.
Ông Lâm Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Duy Linh: “Theo tôi, bất cứ ngành công nghiệp nào cũng sinh ra ô nhiễm nhất định. Điều quan trọng là phải chấp hành các quy định, tiêu chuẩn môi trường để việc ô nhiễm không vượt quá mức độ cho phép. Nếu các bộ, ngành chuyên môn đề ra các tiêu chuẩn này, chúng tôi sẵn sàng tuân theo”.
Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): “Lợi nhuận lớn của ngành nhập tàu cũ để phá dỡ có được từ sự trốn tránh trách nhiệm đối với môi trường, không đầu tư xây dựng những công nghệ sạch. Chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp đưa ra phương án phá dỡ tàu đảm bảo an toàn cho môi trường nhưng cho đến giờ phút này họ vẫn chưa trình được”.
Bài và ảnh: HỒ QUANG PHƯƠNG