Diễn biến lịch sử

Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19-8-1991, các đại diện lãnh đạo cấp cao của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô), những người không tán thành với chính sách cải tổ của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và dự thảo Hiệp ước liên bang mới, đã thành lập Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp tại Liên Xô. Thành phần Ủy ban gồm có: Phó tổng thống Liên Xô Gennady Yanaev, Thủ tướng Liên Xô Valentin Pavlov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Dmitry Yazov, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Vladimir Kryuchkov, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Liên Xô Oleg Baklanov, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Liên Xô Vasily Starodubtsev, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhà nước và cơ sở công nghiệp, xây dựng, giao thông và liên lạc Liên Xô Alexander Tizyakov.

Những người tham gia mit tinh trên một con phố ở thủ đô Moskva ngày 19-8-1991. Ảnh: RIA Novosti/Vladimir Fedorenko. 

Vào ngày này 30 năm trước, những người tham gia chính biến nỗ lực nhằm giành chính quyền khi đưa quân đội vào những thành phố lớn. Tiến vào thủ đô Moscow có gần 4.000 binh sĩ, 362 xe tăng, 427 phương tiện bọc thép và xe chiến đấu bộ binh. Hàng chục xe tăng áp sát tòa nhà của Hội đồng Tối cao và Chính phủ Liên Xô. Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên bang Nga Boris Eltsin và những người ủng hộ đã đứng ra bảo vệ tòa nhà này và chống lại những người tham gia chính biến. Khi đó, Eltsin đứng trên xe tăng và đọc “thông điệp gửi tới người dân Nga”, trong đó ông gọi những hành động của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp là “đảo chính phản động và chống lại Hiến pháp”. Ông kêu gọi người dân Nga “đáp trả xứng đáng những người tham gia chính biến và yêu cầu đưa đất nước trở lại trạng thái phát triển bình thường theo Hiến pháp”. Boris Eltsin cũng ký hai sắc lệnh số 59 và 61, trong đó coi việc thành lập Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp là “nỗ lực nhằm đảo chính”; đồng thời các cơ quan hành pháp Liên bang, bao gồm những cơ quan sức mạnh, đã được chuyển giao thuộc quyền kiểm soát của Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên bang Nga.

Bản thân Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev khi đó đang đi nghỉ tại Crimea và bị cô lập trong biệt thự của Chính phủ tại Foros. Ngày 22-8-1991, Gorbachev cùng gia đình trở về Moscow. Cùng ngày hôm đó, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã bị chấm dứt hoạt động. Các thành viên và hàng loạt nhà hoạt động khác ủng hộ Ủy ban, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tối cao Liên Xô Anatoly Lukyanov, đã bị bắt giữ.

Triển lãm tại Trung tâm Yeltsin

Năm nay, Trung tâm Elstin tại thành phố Ekaterinburg đã chuẩn bị một cuộc triển lãm mang tên “Quảng trường nước Nga tự do” nhằm kỷ niệm những sự kiện diễn ra 30 năm trước. Tại triển lãm này giới thiệu những hình ảnh và tư liệu được lưu trữ tại các quỹ thuộc Trung tâm Tổng thống Boris Elstin, Hiệp hội bảo tàng Moscow, Thư viện Lịch sử Quốc gia, cũng như những văn bản do nhân viên của Bảo tàng Boris Eltsin viết.

Trang thông tin điện tử của Trung tâm Elstin cho biết, 30 năm trước, trong 3 ngày, mọi người đã đổ xuống đường các thành phố, dựng chướng ngại vật, tuyên bố đình công để bảo vệ những cải cách chính trị và kinh tế bắt đầu dưới thời Liên Xô. Trên những bức ảnh không chỉ có hình của những người bảo vệ tòa nhà Hội đồng Tối cao và Chính phủ Liên Xô và binh sĩ, mà còn ghi lại những vật dụng hàng ngày được dùng để dựng chướng ngại vật, biểu ngữ tự chế và cả máy thu thanh.

Nỗ lực duy trì Liên bang Xô viết

Cựu Phó tổng thống Liên bang Nga Alexander Rutskoy, người nắm giữ chức vụ này từ ngày 10-7-1991 cho đến khi bị bãi chức vào tháng 12-1993, không đồng ý với việc gọi những sự kiện diễn ra tháng 8-1991 là “cuộc bạo động”.

“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, đây không phải là cuộc bạo động, mà là nỗ lực nhằm duy trì Liên bang Xô viết. Trong những năm qua, thái độ của tôi đối với những sự kiện đó vẫn không hề thay đổi. Nó có thể thay đổi như thế nào được, khi tôi vẫn là nhân chứng sống của sự thật lịch sử về những gì đã xảy ra? Tôi biết rõ những gì tôi nhìn thấy... Đó là việc áp dụng cách điều hành đất nước trong tình trạng khẩn cấp. Quyết định này đã được Gorbachev thông qua vào tháng Ba. Trong khi sự kiện lại xảy ra vào tháng Tám”, cựu Phó tổng thống Nga Alexander Rutskoy cho biết.

Theo ông, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã phạm phải sai lầm cơ bản nhất, đó là đã đưa quân đội tiến vào thủ đô Moscow.

“Việc này lẽ ra không được làm. Và rồi sau đó người ta tung tin xuyên tạc rằng, Gorbachev đã bị bắt. Tôi là người đưa Gorbachev rời khỏi Foros, và tôi đã ngăn chặn toàn bộ quá trình này lại, chứ không phải Boris Eltsin”, ông Alexander Rutskoy nói.

Chính trị gia này cho biết thêm rằng, tin đồn về việc Gorbachev bị bắt là do chính Tổng thống Liên Xô tự bịa ra.

Ông Ruslan Khasbulatov, Chủ tịch cuối cùng của Hội đồng Tối cao Liên bang Nga, tuyên bố rằng, ý kiến của ông về những sự kiện xảy ra 30 năm trước cũng không thay đổi.

“Thái độ của tôi đối với những người tham gia chính biến là hoàn toàn tốt đẹp, nhưng đối với cách làm của họ thì không. Việc họ đợi cho đến khi Gorbachev đi nghỉ phép, rồi âm thầm bắt đầu thực hiện cuộc chính biến này, là điều khiến cho tôi khó chịu. Tôi đã nói với họ: Đồng chí là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí là người đứng đầu cơ quan quyền lực, đồng chí là Bộ trưởng, đồng chí là Bí thư Trung ương Đảng. Vậy tại sao các đồng chí không triệu tập một cuộc họp của Xô viết Tối cao Liên Xô rồi đưa những vấn đề này ra, như cách mà tôi đã làm? Đó là lý do tại sao tôi có sự bất đồng với những người này”, ông Ruslan Khasbulatov kể lại.

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Nga RIA Novosti, Thiếu tướng về hưu Vyacheslav Generalov, người được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận an ninh tại dinh thự của Tổng thống Gorbachev ở Foros khi xảy các sự kiện tháng 8-1991, cho biết: “Cuộc chính biến đã không thành. Nó không thành là do lỗi của chính những người tham gia chính biến. Thái độ của tôi thay đổi như thế nào ư? Tôi sẽ nói với các bạn một điều rằng, tôi đã và sẽ vẫn là người ủng hộ Liên bang Xô viết. Đương nhiên là bây giờ không thể khôi phục lại được Liên Xô. Nhưng khi đó nhân dân đã bày bỏ mong muốn duy trì Liên bang Xô viết”.

Theo ông, Tổng thống Liên Xô đã không có nỗ lực nào nhằm bảo vệ Nhà nước Xô viết và “đơn giản là trốn tránh trách nhiệm”.

“Nếu không, ông ấy (Gorbachev) sẽ phải trả lời trước cả nước và lãnh đạo các quốc gia khác lý do tại sao ông ấy hành động như vậy, mà không phải là theo cách khác. Ông ấy có mức tín nhiệm cao ở phương Tây và sợ bị hạ mức tín nhiệm này. Xin nói thêm là, Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp cũng đã thất bại vì lý do như vậy. Lúc nào họ cũng nghĩ đến mức tín nhiệm của Gorbachev, bởi họ rất coi trọng ông ấy, họ là những cộng sự thân thiết, đó là Vladimir Kryuchkov, Dmitry Yazov, những người do chính ông ấy bổ nhiệm”, Thiếu tướng về hưu Vyacheslav Generalov nhận định.

QUỐC KHÁNH (theo RIA Novosti)