QĐND Online – Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Tuy Ban soạn thảo đã có tiếp thu, đưa ra quy định chặt chẽ hơn, nhưng trước sự phức tạp tình trạng của liên kết xuất bản trong thời gian vừa qua nhiều đại biểu cho rằng quy định như trong dự thảo vẫn còn những kẽ hở…

Quy định chặt hơn về liên kết xuất bản

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.

Nhằm mở rộng sự tham gia và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Vì vậy, Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản; quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản. Đồng thời, quy định đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.

Vẫn còn kẽ hở?

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp xuất bản phẩm được đối tác liên kết phát hành trước khi nộp lưu chiểu, thậm chí phát hành không cần lệnh của giám đốc nhà xuất bản. Không ít trường hợp tác phẩm có nội dung sai trái không được phát hiện xử lý vẫn lọt ra thị trường. Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là nhiều nhà xuất bản buông lỏng quản lý, chỉ biết bán giấy phép xuất bản thu tiền, phó mặc cho đối tác liên kết thực hiện toàn bộ các khâu từ tổ chức bản thảo, biên tập, định giá đến phát hành. Từ thực tiễn này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) băn khoăn: “Rất tiếc là dự thảo luật lần này không những không bổ sung các chế tài để chấn chỉnh tình trạng trên mà còn buông lỏng trách nhiệm quản lý của nhà xuất bản. Theo Điểm e, Khoản 8, Điều 23 là giao cho đối tác liên kết chứ không phải nhà xuất bản thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét lại”.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (đoàn Thái Bình) chỉ ra: Liên kết trong hoạt động xuất bản là vấn đề nóng đối với các lực lượng tham gia liên kết. Nhiều bất cập trong liên kết chưa được giải quyết, như: thẩm định nội dung ấn phẩm; cho phép nhà xuất bản ấn phẩm thêm, bớt, cắt bỏ nội dung tác phẩm… Tỷ lệ liên kết và phân phối thu nhập giữa các bên tham gia có sự vênh nhau ở các nhà xuất bản, gây nhiều mâu thuẫn trong quan hệ giữa các bên tham gia, thể hiện tính manh mún, thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất xuất bản, kinh doanh phát hành. Đại biểu Hoàn nhấn mạnh: “Hiện nay, liên kết trong hoạt động xuất bản là một hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là hoạt động tạo ra nhiều xuất bản phẩm sai phạm, kể cả sai phạm chuyên môn lẫn chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nếu quy định cho đối tác liên kết được tham gia biên tập sơ bộ bản thảo ở Điểm b, Khoản 3, Điều 23 sẽ là một kẽ hở lớn trong hoạt động xuất bản. Theo tôi nên bỏ điểm này, chỉ nên quy định cho đơn vị liên kết được khai thác bản thảo in xuất bản và phát hành xuất bản phẩm”.

XUÂN DŨNG