Riêng những thiệt hại về kinh tế từ việc chính phủ đóng cửa một phần đã có thể vượt quá con số 5 tỷ USD ngân sách mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico, theo dự báo của một số nhà phân tích.

Thiệt hại hàng tỷ USD

Tờ Money cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 9 trong tổng số 15 bộ, ngành liên bang, cũng như hàng chục cơ quan và chương trình liên bang khác đang phải đóng cửa hoặc giảm thời gian làm việc. Bên cạnh đó, có khoảng 800 nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc không lương, khiến kinh tế Mỹ ước tính thiệt hại hàng tỷ USD.

Viện dẫn sự kiện Chính phủ Mỹ từng đóng cửa 16 ngày năm 2013, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Rand Paul cho biết, việc đóng cửa chính phủ còn mất nhiều tiền hơn là mở cửa chính phủ. Nhân viên liên bang không được trả lương trong thời gian đóng cửa sẽ nhận được khoản tiền bồi thường một khi tình trạng chấm dứt, bất kể người đó đi làm hay nghỉ tạm thời. Do đó, chẳng có khoản tiền nào tiết kiệm được từ việc đóng cửa chính phủ.

Một nhân viên an ninh vận tải tại sân bay Mỹ. Ảnh: AP.

“Chúng tôi phải trả lương cho mọi người mà không vì một cái gì cả. Thật sự là lãng phí. Đây dường như giống kiểu chính quyền liên bang lấy tiền và ném qua cửa sổ”, Gordon Gray, Giám đốc Chính sách Tài chính thuộc Diễn đàn Hành động Mỹ, chia sẻ với Money. Bên cạnh những thiệt hại về các khoản ngân sách liên bang phải chi để bồi thường cho nhân viên hay các dịch vụ bị gián đoạn, Gray cho rằng, thiệt hại lớn và khó ước tính nhất từ việc chính phủ đóng cửa là những tác động xấu tới toàn bộ nền kinh tế. Theo ước tính của Gray, chi phí cho việc đóng cửa chính phủ hiện giờ có phần tương đương hoặc thậm chí còn lớn hơn so với chi phí chính phủ ngừng hoạt động năm 2013. Một báo cáo phân tích về tình trạng chính phủ đóng cửa hồi năm 2013 do Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) thực hiện cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm khoảng 0,2-0,6%, tương đương nền kinh tế thiệt hại từ 2 đến 6 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà phân tích của Standard & Poor’s ước tính chi phí của việc đóng cửa chính phủ năm 2013 lên tới 24 tỷ USD, do những thiệt hại khó có thể bù đắp được từ việc đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Rõ ràng, đây là con số lớn hơn nhiều so với 5 tỷ USD ngân sách cần chi cho bức tường biên giới.

An ninh hàng không khó bảo đảm

Bên cạnh vấn đề kinh tế, an ninh hàng không cũng đang là một vấn đề gây đau đầu trong bối cảnh chính phủ Mỹ vẫn tê liệt một phần. Theo CNN, hàng trăm nhân viên an ninh vận tải (TSA) tại ít nhất 4 sân bay lớn của Mỹ đã đồng loạt xin nghỉ ốm, làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không. Trong khi đó, ước tính có hơn 55.000 nhân viên TSA, chịu trách nhiệm kiểm tra hành lý của 800 triệu hành khách mỗi năm, đang làm việc không lương.

Trước thực trạng được ví như “dịch cúm xanh” (ám chỉ màu áo đồng phục của các nhân viên giám sát an ninh tại sân bay) này, hơn 61.000 phi công đã cùng nhau gửi một bức thư cho Tổng thống Donald Trump, yêu cầu lãnh đạo Nhà Trắng chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa vì những cảnh báo về mối đe dọa an ninh trên bầu trời Mỹ. Cơ trưởng Joe DePete, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Airline Quốc tế (ALPA) đại diện cho hơn 61.000 phi công chuyên nghiệp của 32 hãng hàng không trong đó có United, Jet Blue, Delta, Fedex và Virgin America, trong bức thư chỉ rõ an ninh và mức độ an toàn của không phận Mỹ đang gặp nguy hiểm vì Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần.

Theo bức thư gửi tới Tổng thống Trump, do số lượng giám sát viên an toàn hàng không ít hơn so với mọi khi vì chính phủ đóng cửa nên xuất hiện “lỗ hổng” trong an ninh và hiệu suất công việc. Điều này khiến cho vấn đề an toàn của hành khách và phi hành đoàn rơi vào tình thế nguy hiểm. Đại diện ALPA kêu gọi Tổng thống Trump “có những bước đi cần thiết để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ ngay lập tức vì những ảnh hưởng tới an ninh, an toàn và hiệu suất hệ thống hàng không quốc gia”.

Đánh mất sự tín nhiệm

Tình trạng bế tắc hiện nay khiến chính phủ Mỹ đóng cửa một phần còn gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội Mỹ, đặc biệt là ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của người dân dành cho chính phủ. Theo kết quả thăm dò mới được hãng Reuters phối hợp với Ipos thực hiện và công bố, có 50% người Mỹ tham gia cho rằng Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cho việc chính phủ đóng cửa một phần, trong khi có 7% người tham gia quy lỗi cho các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và 32% người tham gia cho rằng đây là lỗi của đảng Dân chủ. Thậm chí một số cử tri từng ủng hộ Tổng thống Donald Trump cũng đặt câu hỏi, phải chăng việc Tổng thống nhất quyết theo đuổi kế hoạch xây dựng bức tường biên giới dù cho Chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa đã cho thấy vấn đề ông chủ Nhà Trắng thực sự quan tâm là thực hiện những cam kết tranh cử, đảm bảo sự tin tưởng và ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới, chứ không hoàn toàn vì vấn đề an ninh biên giới.

HÙNG HÀ