QĐND - Quy định để mặt hàng xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là một chủ trương đúng, đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 84/2009/NĐ-CP được thực hiện từ cuối năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành theo Nghị định nói trên, thị trường xăng, dầu vẫn chưa bảo đảm được nguyên tắc cơ bản của cơ chế thị trường là tính cạnh tranh. Hơn nữa, thông tin về mặt hàng xăng, dầu còn chưa thật minh bạch, gây nghi ngại cho người dân mỗi lần có biến động về giá.
"Chiếc vòng kim cô" trong kinh doanh xăng, dầu!
Qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một vài quy định hiện hành về kinh doanh bán lẻ xăng, dầu - mà trực tiếp là Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 3 đề xuất rất đáng chú ý: Thứ nhất, các đại lý, doanh nghiệp đề nghị cho phép được ngưng bán tạm thời nếu bị thua lỗ (do khi giá xăng thế giới lên cao mà doanh nghiệp chưa được tăng giá bán lẻ - PV). Trường hợp vẫn bắt buộc kinh doanh bình thường thì cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ khi đại lý, doanh nghiệp chứng minh được lỗ thực tế. Thứ hai, đại lý, doanh nghiệp bán lẻ được quyền ký hợp đồng mua xăng, dầu từ tất cả các tổng đại lý đầu mối theo hướng cạnh tranh thị trường. Thứ ba, nâng mức chiết khấu cho các đại lý để bù đắp đủ các chi phí hoạt động và bảo đảm lợi tức hợp lý trên vốn hàng hóa.
 |
Mua bán xăng tại cây xăng Nam Đồng (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: TTXVN
|
Từ những kiến nghị trên, có thể thấy yếu tố "thị trường" trong kinh doanh xăng, dầu đang bị hạn chế: Doanh nghiệp vẫn phải bán hàng dù chịu lỗ. Và doanh nghiệp chỉ được mua từ một nguồn hàng nhất định.
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, vì vậy, theo Bộ Công Thương, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Các đại lý xăng, dầu phải “bảo đảm cung ứng liên tục xăng, dầu ra thị trường” để giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội. Thời gian qua, với mục đích ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, có giai đoạn giá xăng, dầu bán lẻ trong nước được giữ ổn định trong khi giá xăng, dầu thế giới liên tục tăng cao, do vậy doanh nghiệp đầu mối bị thua lỗ, hoa hồng đại lý xuống thấp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng, dầu.
Cũng nhằm mục đích ổn định hệ thống phân phối xăng, dầu từ doanh nghiệp đầu mối tới đại lý bán lẻ, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đã quy định “tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối” và “đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng, dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối”. Bộ Công Thương cho rằng, quy định như vậy giúp xác định rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp về chất lượng xăng, dầu bán ra trên thị trường.
Bộ Công Thương giải thích, đại lý bán lẻ được quyền lựa chọn ký hợp đồng đại lý với bên giao đại lý nào đưa ra các điều kiện thương mại tốt nhất, cạnh tranh nhất, thù lao cao nhất... Tuy nhiên, các đại lý chỉ được ký hợp đồng đại lý với một thương nhân là bên giao đại lý với thời hạn hợp đồng tối thiểu 12 tháng. Chỉ khi hết thời hạn hợp đồng, đại lý bán lẻ mới được quyền thanh lý hợp đồng và ký kết với bên giao đại lý khác có điều kiện thương mại tốt hơn.
Có nên đa dạng hóa nguồn nhập hàng?
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong không đồng tình với quy định chỉ cho tổng đại lý, đại lý mua xăng, dầu từ một nguồn trong thời hạn 12 tháng. Theo ông, thực chất quy định này không giúp cho việc ổn định nguồn cung cũng như không giúp quản lý được chất lượng xăng, dầu. Có chăng, quy định này chỉ làm tăng tính độc quyền doanh nghiệp. "Yếu tố cạnh tranh của thị trường thường được thể hiện thông qua đấu thầu, càng nhiều nguồn cung thì sẽ càng dễ tìm ra được phương án có giá hợp lý, chất lượng tốt" - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ. Theo ông Phong, xác định chất lượng xăng, dầu phải bằng cách kiểm tra chất lượng từng lô hàng mà doanh nghiệp nhập vào chứ không phải bám vào việc doanh nghiệp nhập hàng từ đâu. Hiện có 14 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, nếu doanh nghiệp nào cung cấp xăng kém chất lượng thì phạt, tái phạm nhiều lần thì loại bỏ, chứ không nên nhân danh bảo đảm chất lượng để rồi hạn chế tính cạnh tranh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng có chung cách nhìn nhận này và cho rằng, để tạo ra một môi trường cạnh tranh thì nên mở rộng các quan hệ mua bán giữa các đầu mối kinh doanh xăng, dầu với các tổng đại lý, đại lý. Tổng đại lý được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho ít nhất ba thương nhân đầu mối; đại lý được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng, dầu cho ít nhất ba tổng đại lý hoặc ba thương nhân đầu mối.
Theo các chuyên gia, việc gắn thời gian tính giá theo thời gian dự trữ lưu thông (tức là 30 ngày) cũng không hợp lý. Cả ông Nguyễn Tiến Thỏa và ông Nguyễn Minh Phong đều cho rằng thời gian tính giá xăng, dầu bình quân nên giảm từ 30 ngày xuống còn 10 ngày nhằm phù hợp tần suất giữa hai lần điều chỉnh giá và bám sát diễn biến giá thế giới, như thế sẽ giảm thiểu các nguy cơ gây sốc của giá thế giới, tỷ giá, lãi suất...
Cần tách bạch nhiệm vụ, cơ chế quản lý xăng, dầu cho việc dự trữ bảo đảm an ninh xăng, dầu với nhiệm vụ kinh doanh xăng, dầu vì mục đích thương mại của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nếu bắt buộc doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông thì cần phải có cơ chế xử lý và Nhà nước cũng phải chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, dự trữ quốc gia cần phải độc lập với việc kinh doanh của doanh nghiệp, độc lập cả về tài chính và cơ sở hạ tầng để lưu trữ.
Quỹ bình ổn xăng, dầu: Chưa tường minh
Quỹ bình ổn xăng, dầu được tạo ra để phòng những rủi ro, loại trừ nguy cơ giá xăng, dầu tăng đột biến. Không chỉ Việt Nam mà một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin, Chi-lê, Mê-hi-cô cũng hình thành quỹ này.
Tại Việt Nam, những khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới thấp, mức chênh lệch sẽ được trích lập theo quy định để bù cho nhiệm vụ kìm giữ mỗi khi giá lên cao. Tuy nhiên, quỹ đang bị nghi ngờ về sự hiệu quả và minh bạch. Hiện nay, quỹ này đang được để cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu tự quản lý. Doanh nghiệp tự tính toán từ mức trích lập dự phòng do Bộ Tài chính quyết định. Ví dụ, mức trích lập dự phòng đưa vào quỹ hiện nay đang là 300 đồng/lít/kg xăng, dầu.
Thực chất, tiền trích quỹ này được lấy thẳng từ túi tiền của hàng triệu người tiêu dùng. Vậy mà chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về hiện trạng của quỹ. Cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ có các thông tin về quỹ nói trên khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo mỗi quý một lần, trong khi giá dầu thô thế giới thì liên tục biến động, và nhiều lúc việc điều chỉnh giá xăng, dầu diễn ra liên tiếp. Nhiều người lo ngại việc sử dụng quỹ sai mục đích, nhằm bù lỗ cho những yếu kém trong quản trị của doanh nghiệp chứ không liên quan gì tới giá xăng, dầu.
Để khắc phục những bất cập hiện nay của quỹ, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nên xem xét lại cách trích lập và quản lý Quỹ bình ổn xăng, dầu. Nên chăng mở rộng và đổi tên Quỹ bình ổn xăng, dầu thành Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia? Quỹ này không chỉ xử lý các vấn đề liên quan tới xăng, dầu mà còn cả điện, than... Khi đó, quỹ cần phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng Quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý Nhà nước thích hợp, mà tốt nhất là Bộ Tài chính, hoặc Bộ Công Thương. Cần lồng ghép việc thu lập quỹ qua giá xăng, dầu vào một khoản thu ngân sách; có thể lồng ghép với thu thuế xuất - nhập khẩu xăng, dầu.
Các thông tin liên quan đến Quỹ bình ổn xăng, dầu; bảng số liệu giá đầu vào và cách tính giá xăng, dầu cần được thông tin thường xuyên (có thể theo tháng) đến cơ quan quản lý và nhân dân (thông qua các cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý và doanh nghiệp). Phải làm sao để người dân nắm được rõ tất cả các chi tiết liên quan tới giá xăng, dầu. Như thế mới tạo ra niềm tin và sự đồng thuận mỗi khi có điều chỉnh về giá.
HỒ QUANG PHƯƠNG