Theo Arab News, 13 năm trước, khi trùm khủng bố Osama bin Laden-vốn được cho là chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ-bị tiêu diệt, nhiều người từng hy vọng đây là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố, giáng đòn quyết định vào vấn nạn bạo lực cực đoan. Thế nhưng, cho đến nay, chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa toàn cầu. Sự tàn bạo của các kẻ khủng bố đã gieo rắc nỗi sợ hãi và bất an cho người dân trên toàn thế giới. Trước thực tế này, một câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể đối phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố?

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ngày 22-3-2024 ở Trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall của Nga. Ảnh: EPA 

Đầu tiên, Arab News cho rằng hợp tác quốc tế mạnh mẽ thông qua các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp là vô cùng quan trọng. Với việc tập hợp các nguồn lực, kiến thức chuyên môn và thông tin tình báo, các quốc gia có thể theo dõi và triệt phá những mạng lưới khủng bố một cách hiệu quả trước khi chúng thực hiện mưu đồ của mình. “Trong thế giới mà chúng ta đang sống, chủ nghĩa khủng bố không có biên giới quốc gia. Do đó, cách ứng phó của chúng ta phải vượt qua biên giới quốc gia... Sự hợp tác này không chỉ nâng cao hiệu quả của các nỗ lực chống khủng bố mà còn thúc đẩy niềm tin và sự đoàn kết giữa các quốc gia trước mối đe dọa chung”, Arab News nhấn mạnh.

Thêm vào đó, do chủ nghĩa khủng bố thường bén rễ trong môi trường đói nghèo, bất ổn chính trị, bất bình đẳng xã hội, nên cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ này. Thực tế đó cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị và công bằng xã hội. “Thông qua việc đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm, chúng ta có thể mang lại cơ hội cho các cộng đồng yếu thế, qua đó làm giảm khả năng họ dễ bị chi phối bởi các hệ tư tưởng cực đoan”, Arab News khẳng định.

Ngoài ra, chính phủ các quốc gia, các hãng công nghệ cùng các tổ chức xã hội dân sự cần chung tay ngăn chặn những tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội và những nền tảng trực tuyến, đồng thời thúc đẩy thông điệp về lòng khoan dung và hòa bình. Theo Arab News, các nhóm cực đoan luôn tận dụng triệt để những nền tảng trên để truyền bá hệ tư tưởng độc hại và chiêu mộ thành viên.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Lực lượng an ninh được triển khai tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ngày 22-3-2024 ở Trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall của Nga. Ảnh: Reuters 

Arab News cũng cho rằng cần ngăn chặn nguồn tài chính nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố nhằm làm suy yếu khả năng hoạt động của chúng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, các định chế tài chính và các tổ chức quốc tế. Cũng không thể bỏ qua vai trò của giáo dục. Giáo dục chính là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố cũng như thúc đẩy hòa bình và lòng khoan dung. “Các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức có thể giúp người dân hiểu rõ về nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan”, Arab News nêu rõ.

Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, việc bảo đảm an ninh biên giới là rất quan trọng để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập xuyên biên giới. Giải pháp này đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại, quy trình sàng lọc dựa trên thông tin tình báo, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia với đầu tư vào cơ sở hạ tầng biên giới và đào tạo nguồn nhân lực.

Một giải pháp khác quan trọng không kém là nỗ lực thúc đẩy hòa giải và kiến tạo hòa bình ở các khu vực xảy ra xung đột và căng thẳng tôn giáo, sắc tộc nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Các sáng kiến ngoại giao, tiến trình đối thoại và biện pháp xây dựng lòng tin có thể giúp xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các bên, đặt nền móng cho hòa bình lâu dài. “Nói tóm lại, việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi cách tiếp cận đa diện. Bằng cách áp dụng các giải pháp đã đề cập, cộng đồng quốc tế có thể hướng tới một thế giới an toàn hơn”, Arab News khẳng định.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.