Reuters đưa tin, ngày 3-11, Tổng thống Biden mở đầu chiến dịch vận động ở khu vực miền Tây bằng chuyến đi đến Trường Cao đẳng Cộng đồng Central New Mexico tại TP Albuquerque, bang New Mexico. Tại đây, vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ nêu bật lợi ích của chương trình xóa nợ sinh viên do ông đề xướng và chương trình miễn phí học đại học của Thống đốc bang New Mexico Michelle Lujan Grisham. Tại thị trấn South Valley ở Albuquerque, trước hàng trăm người ủng hộ, Tổng thống Mỹ chỉ trích việc các tập đoàn dầu mỏ nước này “bội thu” trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và tỷ lệ lạm phát cao làm ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Cùng ngày, ông Biden có bài phát biểu tại Trường Cao đẳng MiraCosta ở TP Oceanside, bang California, trong đó kêu gọi cử tri Đảng Dân chủ tích cực tham gia cuộc bầu cử và nhấn mạnh sự kiện này sẽ quyết định hướng đi của đất nước trong ít nhất một thập kỷ tới hoặc xa hơn.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Central New Mexico ngày 3-11. Ảnh: Getty Images 

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden còn đến bang Illinois, sau đó tới bang Pennsylvania để tham dự một sự kiện vận động tranh cử cùng cựu Tổng thống Barack Obama trước khi tới điểm dừng chân cuối cùng là bang Maryland vào ngày 7-11.

Về phần mình, theo CNN, cựu Tổng thống Trump cũng thực hiện chiến dịch vận động tranh cử cho Đảng Cộng hòa từ ngày 3 đến 7-11 ở 4 bang có vai trò quyết định, gồm: Iowa, Florida, Pennsylvania và Ohio. Đứng trước đám đông ở TP Sioux, bang Iowa, ông Trump khẳng định, Đảng Cộng hòa sẽ lấy lại Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp tới. Trước đó, vị tỷ phú này cũng tham gia nhiều cuộc vận động tại bang Pennsylvania và Ohio để kêu gọi sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành ghế tại Thượng viện. Ngoài ra, CNN nhận định, việc ông Trump góp mặt trong các chiến dịch của Đảng Cộng hòa cũng phát thêm tín hiệu rằng dù chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử, ông có thể sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào năm 2024 để có màn tái đấu với đương kim Tổng thống Biden.

Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ chính thức diễn ra vào ngày 8-11. Ngoài cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội khóa 118, cuộc bầu cử còn bầu lại hàng loạt vị trí Thống đốc bang và lãnh đạo chính quyền địa phương. Sự kiện này được coi như cuộc trưng cầu ý dân đối với kết quả điều hành của Tổng thống Biden nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung trong gần hai năm qua. Mặt khác, kết quả bầu cử cũng gợi mở về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới.

Giới chuyên gia nhận định, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là yếu tố quan trọng tại các bang “chiến địa” và Đảng Dân chủ đang hối thúc cử tri bỏ phiếu sớm. The Hill dẫn số liệu của GS Michael McDonald tại Đại học Florida (Mỹ) thống kê đến ngày 3-11 đã có gần 32 triệu cử tri xứ cờ hoa tham gia bỏ phiếu sớm theo hình thức bầu trực tiếp và bầu qua đường bưu điện. Trong hàng loạt mối quan tâm hiện nay của đông đảo cử tri Mỹ, các vấn đề kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Theo tờ New York Post, một khảo sát của hãng Politico/Morning Consult chỉ ra rằng, khoảng 80% cử tri Mỹ được hỏi cho biết cách thức xử lý lạm phát của mỗi đảng sẽ tác động lớn tới quyết định của họ trong phiếu bầu.

NGÂN KHÁNH