QĐND - Ngày 25-10-2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế có địa chỉ tại hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6% trên tổng dư nợ được cho từ 2,5 triệu tỷ đồng đến 2,8 triệu tỷ đồng, tức tổng nợ xấu vào khoảng 202.000- 240.000 tỷ đồng (ngưỡng cho phép theo thông lệ thế giới là dưới 5% trên tổng dư nợ). Trong đó, hơn 85% nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản có giá trị (theo định giá ban đầu) vào khoảng 135% khoản nợ xấu. Các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro trên dưới 70.000 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu.

Nguyên nhân và các hệ quả của nợ xấu

Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài lý do khó khăn chung về thị trường tiêu thụ, thì lỗi chủ yếu thuộc về cả người cho vay lẫn người vay, với 3 nhóm chính nợ xấu là của các doanh nghiệp Nhà nước, công ty sân sau của ngân hàng và lĩnh vực bất động sản. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ước đoán, nợ đọng bất động sản có thể lên tới 50% tổng dư nợ của ngân hàng; còn theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thì con số này chỉ vào khoảng 5%. Đặc biệt, việc thiếu kiểm soát các hoạt động cho vay chạy theo lãi suất cao và tập trung dư nợ quá mức vào nhóm đối tượng hẹp đầu tư đa ngành hoặc đầu cơ quá mức trong một số lĩnh vực đầu tư rủi ro và nhạy cảm cao, sai biệt với nhu cầu thực của thị trường, là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nợ xấu của Việt Nam hiện nay (thực tế, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 70% nợ xấu). ở Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu còn là hệ quả của sự gia tăng quy mô tín dụng trong nhiều năm qua, cụ thể: Tín dụng tăng từ năm 2008 đến 2010  bình quân 33%/năm (riêng năm 2008, tín dụng tăng tới 53%), và năm 2011 là 29%, còn từ đầu năm 2012 đến nay, tín dụng chỉ tăng 2,53%.

Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. ảnh: TTXVN

Trên thực tế, nợ xấu cao và chậm được giải quyết ngày càng trở thành gánh nặng cho ngân hàng (mất thanh khoản và giảm lợi nhuận…), doanh nghiệp (khó tiếp cận vốn, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng) và cả nền kinh tế (hàng hóa chậm tiêu thụ, trì trệ, dần dần gây tê liệt nền kinh tế và nguy cơ bất ổn vĩ mô cao).

Về phương diện kinh tế -xã hội, nợ ngày càng trở thành căn bệnh mãn tính, phổ biến và đặc trưng có tính chất thời đại, hầu như không loại trừ bất kỳ doanh nghiệp và quốc gia nào. Nợ, bao gồm cả nợ công và nợ tư, vừa là điều kiện, vừa là kết quả các hoạt động quản lý nhà nước và đầu tư doanh nghiệp. Thực tế cũng đang cho thấy ngày càng đậm hơn xu hướng tương tác lợi ích giữa các chủ nợ và con nợ, cũng như sự chuyển hóa và chế định lẫn nhau giữa nợ công và nợ tư. Một mặt, nợ công được tài trợ bởi nguồn vốn tư nhân đã trở thành phổ biến qua việc phát hành các công cụ nợ công, như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc nhà nước và các chứng khoán nợ khác. Mặt khác, khi có sự cố lớn trên thị trường nợ tư nhân, gây nguy cơ đổ vỡ kinh tế và sự giảm mạnh các nguồn thu trong nước của ngân sách nhà nước, thì dù muốn hay không, sớm hay muộn, chính phủ các nước đều buộc phải viện đến các gói hỗ trợ và tăng chi tiêu công trị giá nhiều tỷ USD nhằm phong tỏa các nguy cơ và hệ quả tiêu cực, bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu, giải cứu nợ và giữ ổn định nền kinh tế. Điều này trực tiếp và gián tiếp dẫn đến áp lực tăng nợ công, cũng như nợ nước ngoài ở hàng loạt nước.

Về phương diện kinh tế - đầu tư, nợ ngày càng trở thành tiêu điểm hội tụ và phản ánh động thái chu kỳ kinh tế thị trường. Các hoạt động đầu tư ngành, lĩnh vực thái quá, nhất là đầu cơ cảm tính, phong trào, cũng như bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ… tất yếu dẫn đến dư thừa và chênh lệch cơ cấu cung - cầu thị trường. Điều này được phản ánh trực tiếp và gián tiếp thông qua sự gia tăng đột biến tổng dư nợ và nợ khó đòi, gắn với sự bùng nổ và đổ vỡ bong bóng đầu tư, tăng dư lượng hàng tồn đọng và sự giảm giá trị tài sản thế chấp trong cơ cấu tín dụng ngân hàng thương mại. Đặc biệt, những khoản cho vay “dưới chuẩn” hoặc “lệch chuẩn” an toàn với sự đồng lõa của những người trong cuộc, cũng như sự thiếu kiểm soát và cảnh báo kịp thời từ các cơ quan hữu quan, có thể trực tiếp trở thành nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng nợ xấu, đòi hỏi những chi phí giải cứu đắt đỏ và kéo dài.

Về phương diện kinh tế - chính trị, nợ và các điều kiện về nợ ngày càng trở thành tác nhân và công cụ mạnh mẽ chi phối đời sống chính trị và chính sách quốc gia. Quan điểm và quá trình xử lý nợ không chỉ phản ánh quan điểm chính trị, lợi ích và tương quan lực lượng xã hội trong nước và quốc tế, mà còn phản ánh vị thế của con nợ và chủ nợ. Trong quá trình xử lý nợ, nhiều nước cần đến các gói giải cứu của các nước, tổ chức tài chính khu vực và quốc tế, song không phải lúc nào cũng “xuôi chèo, mát mái”. Thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, những điều kiện tín dụng ngày càng ngặt nghèo, nhất là tạo áp lực thắt chặt chi tiêu, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường nhiều mặt, từ sự suy giảm kinh tế, những cuộc biểu tình đòi tăng chi hỗ trợ an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp vượt khó, đến những cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và kiến nghị đòi từ chức, thay đổi nhân sự chính quyền cấp cao… Đặc biệt, từ vấn đề kinh tế thuần túy, ở nhiều nước nợ đang có khuynh hướng nâng cấp và “đổi màu” trở thành vấn đề kinh tế -xã hội. Thậm chí có nước, vấn đề nợ đã tạo áp lực làm sụp đổ cả ê kíp chính phủ hoặc liên minh chính trị.

Làm thế nào để giải quyết nợ xấu?

Về nguyên tắc, biện pháp xử lý nợ xấu cần từ nhiều phía, trong đó có biện pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước; nhưng trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ xấu là chủ nợ (ngân hàng thương mại) và con nợ (doanh nghiệp) vay vốn.

Về phía các doanh nghiệp - con nợ, giải quyết các khoản nợ xấu thương mại là nghĩa vụ thị trường hiển nhiên của mình. Vì vậy, các con nợ này phải tìm mọi nguồn có thể để trả nợ; thương lượng với các chủ nợ để cơ cấu lại nợ; rà soát các dự án để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tập trung vào các hoạt động có hiệu quả nhất, giảm thiểu chi phí và sự lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, tăng khả năng quản trị rủi ro, khả năng tự đổi mới và phản ứng thị trường của mình.

Gia công vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). ảnh: TTXVN

Về phía các ngân hàng thương mại, việc xử lý nợ xấu cần được lấy từ nguồn trích dự phòng rủi ro của mỗi ngân hàng thương mại theo quy định; xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của chính ngân hàng thương mại và qua thị trường mua - bán nợ. Các ngân hàng có vấn đề nợ xấu cần phải được tái cấu trúc và kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý liên quan. Ví dụ,  cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, để đưa 9 ngân hàng vào diện tái cơ cấu (trong đó có GPBank, Navibank, Đại Tín và Ngân hàng Phương Tây...), Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi, mời hai công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán và đều cho thấy rằng, số đơn vị nói trên có tình hình thanh khoản yếu kém. Cụ thể, 9 ngân hàng này cho biết, nợ xấu của họ chỉ 1,9% hoặc 2,1%;  nhưng khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước kiểm tra thì nợ xấu thực tế vọt lên 12% - 13%.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn hoặc ứng vốn (có thu hồi từng bước) để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp vào những tổn thất rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. Thời điểm năm 1997, nợ xấu hệ thống ngân hàng lên tới 30%, nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành lập “Tổ xử lý nợ xấu” và bằng các giải pháp giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và một tỷ lệ nhỏ trong đó được xóa, thì chỉ thời gian ngắn sau đó đã hoàn toàn xử lý xong số nợ này. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải quyết được 36.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu thành lập  ủy ban tái cơ cấu và xử lý nợ theo quy chế được Quốc hội ban hành, với sự tham gia của nhiều thành phần như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các chuyên gia và công ty tư vấn, kiểm toán cần thiết… để điều hành hoạt động tái cơ cấu nợ thông qua cơ chế thị trường và Công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hoặc phát triển từ đơn vị có sẵn là Công ty Mua bán nợ và Xử lý tài sản tồn đọng (DATC) của Bộ Tài chính. Nguồn vốn cần thiết ban đầu cho hoạt động của ủy ban này là đa dạng, gồm từ Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, các nguồn nước ngoài và nguồn khác… Khi đó, các khoản nợ xấu phải được định giá khách quan, bảo đảm sự minh bạch và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho. Đồng thời, các con nợ có thể bị điều chỉnh sở hữu, phải đóng cửa, phá sản và điều chuyển khỏi các vị trí quản lý chủ chốt như cái giá phải trả cho các khoản nợ mà mình gây ra.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Bài 3: Ba đột phá hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Bài 1