QĐND - Tháng 3-1996, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (Asia-Europe Meeting, gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Xin-ga-po, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
ASEM - Mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai châu lục
Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.
 |
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào tháng 11-2012. Ảnh: Roi-tơ
|
Qua 4 đợt mở rộng, ASEM hiện có 51 thành viên (gồm 20 nước ở châu Á và 31 nước ở châu Âu). ASEM có dân số chiếm gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP và gần 60% thương mại toàn cầu.
Thể thức cao nhất của ASEM là Hội nghị Cấp cao tổ chức hai năm một lần, luân phiên ở châu Á và châu Âu. Tiếp đến là các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính được tổ chức hằng năm. Hội nghị cấp Bộ trưởng thuộc các lĩnh vực khác sẽ họp khi cần thiết. Đến nay, đã có Hội nghị Bộ trưởng về Khoa học Công nghệ-Môi trường, các vấn đề di cư, văn hóa và văn minh, nông nghiệp...
Theo "Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu 2000" (AECF 2000), thông qua tại Cấp cao ASEM 2 (tháng 4-1998) và Cấp cao ASEM 3 (tháng 10-2000), ASEM hoạt động theo 6 nguyên tắc: Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết phải thể chế hóa; Đồng thuận; Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau; Triển khai cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu với sự thúc đẩy đồng đều-tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy tới hợp tác trong các lĩnh vực khác. Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
Về cơ chế hoạt động, các Bộ trưởng và Thứ trưởng Ngoại giao chịu trách nhiệm điều phối chung toàn bộ hoạt động của ASEM. Các bộ trưởng kinh tế và các quan chức cao cấp thương mại và đầu tư, các bộ trưởng và thứ trưởng các ngành điều phối hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể mình phụ trách. Các hoạt động đối thoại và hợp tác ASEM tiến hành đồng đều trên 3 trụ cột chính: Đối thoại chính trị, Hợp tác kinh tế-tài chính và các hợp tác khác.
Việt Nam - Thành viên tích cực của ASEM
Là một trong 26 thành viên sáng lập ASEM (tháng 3-1996), Việt Nam luôn thể hiện vai trò thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng, được các thành viên đánh giá cao. Việt Nam cũng là một trong những nước tiên phong đăng ký Nhóm đi đầu theo lĩnh vực (issue-based leadership) gồm biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực/giáo dục, Phòng, chống HIV/AIDS/Kiểm soát dịch bệnh bùng phát, và Văn hóa/du lịch. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 (Ấn Độ, 11-2013), Việt Nam đăng ký tham gia 3 Nhóm hợp tác ASEM trong các lĩnh vực như quản lý thiên tai, quản lý nguồn nước và đào tạo nghề.
Đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004) và các Hội nghị Bộ trưởng về Kinh tế (2001), Công nghệ thông tin (2006), Ngoại giao và Giáo dục (2009), Lao động và việc làm (2012). Đến nay, Việt Nam đã đề xuất 18 sáng kiến và đồng tác giả 22 sáng kiến khác. Đáng chú ý, tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 diễn ra tại Lào tháng 11-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra hai sáng kiến trong lĩnh vực quản lý nước và ứng phó với thiên tai, được nhiều thành viên ASEM quan tâm và đánh giá cao. Để triển khai hai sáng kiến trên, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông-Cách tiếp cận tăng trưởng xanh (Cần Thơ tháng 3-2013) và Hội nghị Cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (tại Hà Nội, tháng 11-2013). Thông qua việc lần đầu tiên đăng cai hội thảo mang tầm liên khu vực về tài nguyên nước, Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình trong việc hình thành cơ chế mới của ASEM về “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” được thành lập tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9, góp phần thúc đẩy hợp tác Mê Công - Đa-nuýp.
Nhìn chung, các sáng kiến của Việt Nam đều được đánh giá là thiết thực, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM theo hướng ưu tiên của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
BÌNH NGUYÊN