Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyển quân, bảo đảm thanh niên nhập ngũ có chất lượng tốt, sẵn sàng dấn thân cống hiến trong môi trường quân ngũ. Để làm được điều đó, bài học quan trọng là các cấp đã công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ các khâu, các bước, quy trình công tác tuyển quân.

Bài 1: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động

Trong những thanh niên tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2023 trên địa bàn Quân khu 5, có nhiều người đang đi làm ăn ở xa, điều kiện hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng khi có lệnh gọi khám sức khỏe nhập ngũ, họ đều hăng hái thu xếp công việc, trở về địa phương đúng thời gian quy định và mong ước được nhập ngũ.

Có lệnh là có mặt

Tròn 18 tuổi nhưng Nguyễn Long Khánh, ở đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã có kinh nghiệm hơn 3 năm vươn khơi, bám biển, đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

Nói về công việc của mình, Khánh kể: “Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Lý Sơn, Cồn Cỏ... là những ngư trường quen thuộc của bà con ngư dân. Có lần, do không gặp luồng cá, tàu chúng tôi phải lênh đênh trên biển suốt hai tháng. Rồi những lần gặp bão, chưa thể trở về bờ, chúng tôi phải cho tàu chạy vào các đảo để tránh trú. Giữa mênh mông biển nước, những chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam đã bất chấp hiểm nguy, cứu giúp, cưu mang chúng tôi. Những việc làm của các anh để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi”.

Từ lần đó, Khánh khao khát được trở thành người chiến sĩ Hải quân. Bởi thế, 3 tháng trở lại đây, Khánh “viện lý do” xin chủ tàu tạm dừng đi biển, ở nhà phụ giúp việc gia đình, để khi có lệnh gọi nhập ngũ thì sẽ có mặt, tham gia khám tuyển được ngay.

Nữ thanh niên Phạm Thị Minh Loan, ở tổ 31, phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tìm hiểu về môi trường quân ngũ qua hướng dẫn của ông ngoại.

Tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang với tấm bằng loại giỏi, đầu năm 2022, anh Lê Xuân Châu, 25 tuổi, ở buôn Mduk, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tạm biệt gia đình, khăn gói vào TP Hồ Chí Minh làm kỹ sư cơ điện cho một công ty lớn của nước ngoài và nhận mức lương khởi điểm gần 20 triệu đồng/tháng. Với chức vụ Tổ phó phụ trách công tác kỹ thuật, trực tiếp thẩm định, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm của công ty trước khi xuất xưởng, là cơ hội lớn để anh Châu lập nghiệp, tiến thân.

Thế nhưng với hoài bão của một thanh niên giàu lý tưởng cống hiến, những tháng cuối năm dù công việc bận rộn, nhưng khi có lệnh gọi khám tuyển NVQS, anh Châu vội vàng thu xếp công việc để trở về địa phương. Anh Châu chia sẻ: “Thực hiện NVQS là vinh dự, trách nhiệm thiêng liêng của công dân với Tổ quốc. Những năm trước, do đang theo học đại học, chưa thể tham gia khám tuyển NVQS nên tôi thật sự áy náy. Hơn thế, trước đây tôi từng cận thị hơn 3 độ, nhưng đã chủ động đi khám, điều trị vài lần tại các bệnh viện chuyên khoa để đủ điều kiện sức khỏe nhập ngũ”.

Trên địa bàn Quân khu 5, có đến hàng trăm thanh niên “gác việc riêng, vì nghĩa lớn” như thế. Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó chính ủy Quân khu 5, khẳng định: “Kết quả đó được hun đúc từ truyền thống của những miền quê cách mạng trên địa bàn Quân khu; đồng thời là thành quả chung, hết sức đáng quý được kết nên từ những năm tháng các cấp ủy, chính quyền, LLVT làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân qua nhiều thế hệ; giúp thanh niên luôn sẵn sàng, vững vàng thực hiện trách nhiệm công dân với Tổ quốc thân yêu”.

Lý tưởng đẹp từ những lá đơn!

Ở với ông bà ngoại từ khi mới lọt lòng, qua những câu chuyện ông kể về Quân đội, về tình đồng chí, đồng đội cao quý, thiêng liêng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ in đậm trong trái tim của Phạm Thị Minh Loan, 23 tuổi, ở tổ 31, phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Trong đơn xung phong tình nguyện nhập ngũ, Minh Loan viết: “Tôi đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch, có năng khiếu văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện do đoàn trường tổ chức. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi tích cực tham gia tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly. Ước mơ cháy bỏng của tôi là được trở thành người chiến sĩ Quân đội, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu trúng tuyển, tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì theo sự phân công của tổ chức”.

Cách nhà Minh Loan hai con phố, Ngô Thị Quỳnh Trang, 23 tuổi, ở tổ 32, phường Tam Thuận, cũng có đơn tình nguyện nhập ngũ đợt này. Chia sẻ về quyết định của mình, Trang cho biết: “Năm đầu đại học, tham gia khóa huấn luyện quân sự, tôi được các thầy giáo biểu dương vì có khả năng tháo lắp súng nhanh; đi điều lệnh đẹp; biết vận dụng thuần thục các tư thế vận động trên chiến trường... Quân đội là trường học lớn để tuổi trẻ học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành”.

Là cử nhân công nghệ thông tin mới ra trường, cơ hội việc làm đang rộng mở, song khát khao được cống hiến tuổi xuân cho đất nước đã thôi thúc Lê Quốc Hoàng, 23 tuổi, ở khu phố 5, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) viết đơn xung phong nhập ngũ.

Trực tiếp đưa con trai đi khám tuyển, ông Lê Văn Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ninh Sơn tự hào: “Mỗi lần tâm sự với vợ chồng tôi, cháu đều bày tỏ quyết tâm khi trở thành người chiến sĩ, sẵn sàng cùng đồng đội bảo vệ quê hương, đất nước. Thấy con còn trẻ mà sống có hoài bão, lý tưởng, vợ chồng tôi vui lắm. Năm nay, ở Ninh Sơn có rất nhiều thanh niên là con em của cán bộ, đảng viên, công chức viết đơn tình nguyện nhập ngũ, đây là tín hiệu rất đáng mừng”.

“NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện NVQS bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân". (Khoản 1, Điều 4 Luật NVQS 2015).

(còn nữa)

Bài và ảnh: TẤN TUÂN -  VIỆT HÙNG