Tuy nhiên, nhờ sự chủ động phối hợp của Lâm trường 42 thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3) trong triển khai các dự án giúp bà con phát triển kinh tế mà hiện nay, cuộc sống người dân đã khá hơn nhiều; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định; bà con yên tâm bám biên, bám bản lao động sản xuất... Xuất phát từ phương châm “3 bám, 4 cùng” (3 bám gồm: Bám đơn vị, bám địa bàn và bám chủ trương, chính sách; 4 cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 không quản khó khăn, vất vả, tích cực tham gia hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; vận động bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa.
 |
Bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 giúp dân chăm sóc vườn cây cảnh. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG |
Hằng năm, thông qua các đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, đơn vị huy động hàng trăm ngày công giúp địa phương làm đường giao thông, khơi thông mương nước nội đồng, sửa nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã, các điểm trường học. Đơn vị còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các cấp, ngành vận động, quyên góp kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng cây giống, vật nuôi cho bà con...
Điều khiến bà con càng thêm trân quý cán bộ, nhân viên Lâm trường 42 nói riêng, bộ đội nói chung không chỉ bởi những việc làm giúp địa phương mà còn vì cán bộ, nhân viên các đơn vị đã hy sinh hạnh phúc riêng, chấp nhận xa gia đình, người thân để kiên trì bám bản giúp dân “xua cái đói”, “đuổi cái nghèo”. Thấu cảm, chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của các anh, Đảng ủy, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức gặp mặt, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cùng đơn vị. Dịp lễ, tết, địa phương đến thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên thuộc các đội sản xuất đóng quân vùng sâu, vùng xa...
NGUYỄN THỊ BIÊN THÙY
(Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)
-----------
Dẫu vất vả vẫn tự hào là vợ bộ đội
Tuy đơn vị chỉ cách nhà gần 60km, nhưng do đặc thù công việc nên chồng tôi-Đại úy Phạm Minh Quý, Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5 chẳng mấy khi được về nhà. Những giai đoạn cao điểm như khi đơn vị tổ chức tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ mới, hành quân, diễn tập, giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai... cả nửa năm anh mới về thăm nhà, gặp vợ con. Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh vắng nhà biền biệt. Từ Quảng Bình theo anh vào Đắk Lắk làm dâu, 6 năm nay, quãng thời gian tôi được ở bên chồng chỉ tính bằng ngày, bằng tháng.
 |
Gia đình Đại úy Phạm Minh Quý. Ảnh nhân vật cung cấp |
Con trai út của chúng tôi năm nay tròn 3 tuổi, bị mắc bệnh tim bẩm sinh, cứ 2 tháng phải vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) thăm khám, lấy thuốc một lần. Những phòng trọ rẻ tiền, những quán cơm bụi bình dân xung quanh bệnh viện trở nên quen thuộc với hai mẹ con tôi. Trước đây, mỗi lần đi xe khách, tôi đều bị hoa mắt chóng mặt, nôn thốc nôn tháo, song 3 năm nay, nhờ được “rèn luyện” thường xuyên, mỗi ngày, tôi có thể ôm con, ngồi xe đi hàng trăm ki-lô-mét cũng chẳng vấn đề gì. Để con khỏe mạnh, vui chơi như các bạn cùng trang lứa, khó khăn, vất vả bao nhiêu tôi cũng cam lòng. Những lúc con đau ốm, sốt cao tôi hầu như không được nghỉ ngơi. Tuy lương chỉ hơn 9 triệu đồng/tháng nhưng tháng nào anh cũng chắt chiu, dành dụm gửi về cho 3 mẹ con tôi từ 6 đến 7 triệu đồng. Mặc dù xa cách, ít có thời gian chăm sóc, giúp đỡ gia đình nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ của anh là động lực tinh thần to lớn, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng anh nuôi dạy các con, xây dựng hạnh phúc gia đình. Làm vợ bộ đội giúp tôi hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, hy sinh thầm lặng của những người lính trẻ giữa thời bình. Mẹ con tôi tự hào là hậu phương vững chắc để anh luôn yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PHẠM THỊ NGỌC
(Xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk)
--------
Luôn ủng hộ con trai nhập ngũ
Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, quanh năm làm thuê vất vả mới đủ ăn. Thế nhưng, tôi vẫn luôn ủng hộ con trai là Nguyễn Văn Thuận (hiện cháu là binh nhất, chiến sĩ Tiểu đội Vệ binh, Đại đội Thông tin, Trung đoàn 152, Quân khu 9) nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ, con tôi mới tốt nghiệp THPT, còn non nớt và chưa va vấp nhiều với cuộc sống. Song, thấy con tự tin, quyết tâm nên vợ chồng tôi cũng an tâm. Đến nay, sau gần một năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, con trai tôi đã rắn rỏi, chững chạc hơn nhiều. Thương ba mẹ, tháng nào Thuận cũng gọi điện về thăm hỏi và bày tỏ nguyện vọng sẽ nỗ lực học tập, phấn đấu để có thể được phục vụ lâu dài trong Quân đội. Việc con trai tình nguyện, quyết tâm nhập ngũ, trở thành Bộ đội Cụ Hồ là niềm vinh dự, tự hào của vợ chồng tôi.
NGUYỄN VĂN THÀNH
(khóm Tân Chánh A, phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng)