Bằng kinh nghiệm của mình, cán bộ của Tiểu đoàn Cối 100mm, Tiểu đoàn Công binh, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đã truyền đạt kiến thức, bám sát thao trường, tạo tâm lý vững chắc cho chiến sĩ mới trước những tiếng nổ đầu tiên trong đời quân ngũ.

Những ngày đầu học bắn súng tiểu liên AK, Binh nhì Phạm Lộ Huỳnh Anh, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn Cối 100mm lấy đường ngắm hơi khó vì mắt phải cận 0,5 độ. “Ở mục tiêu bia số 4, thông thường lấy thước ngắm 3, ngắm chính giữa mép dưới mục tiêu nhưng qua các lần kiểm tra, cán bộ đều nhận xét tôi bắn thấp. Do không thấy rõ mục tiêu, tôi luôn trong đội tập riêng để luyện tập thích nghi với mắt cận; từ từ tôi tập trung thị lực, hình thành thói quen và vẫn ở thước ngắm 3 nhưng do mắt mờ, độ choáng đầu ngắm cao nên các anh hướng dẫn nâng lên chính giữa mục tiêu bia số 4. Kết quả bắn tập tôi đạt 25 điểm”, Huỳnh Anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trung úy Huê Tấn Đức, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 14 kiểm tra đường ngắm cho chiến sĩ mới. 

Trung úy Huê Tấn Đức, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn Cối 100mm cho biết: “Trước đây, nhiều đồng chí dùng máy tính, điện thoại thông minh nên dễ bị rối loạn thị giác do tập trung vào màn hình thời gian dài. Ngoài huấn luyện bộ đội thuần thục động tác bắn, tôi còn hướng dẫn anh em mỗi tối dùng khăn ấm đắp lên mắt, giúp mắt được thư giãn hoặc luyện tập bằng cách nhìn vào khoảng không phía trước và nhìn xa nhất có thể để tăng thị lực. Quá trình luyện tập, tôi còn thường xuyên quan tâm chiến sĩ có tâm lý yếu, động viên anh em, đây là tiếng nổ đầu đời, có thể nghe rất lớn, sau khi bắn phát đạn đầu tiên thì thu súng về, hít thở thật sâu, rồi tiếp tục bắn”.

Huấn luyện chiến sĩ mới không chỉ là quá trình truyền thụ kinh nghiệm mà còn “cầm tay chỉ việc”, giúp bộ đội vượt qua giới hạn bản thân để hoàn thành nội dung chương trình. “Học bắn súng mà nhiều đồng chí không nheo được mắt trái nên rất khó khăn xác định đường ngắm. Chúng tôi hướng dẫn anh em làm quen, bịt mắt trái, ngắm và tập trung thị lực vào mắt phải. Đến nay, 100% chiến sĩ mới của đơn vị đều có đường ngắm tốt. Điều quan trọng mà chúng tôi quan tâm là rèn tâm lý ổn định cho bộ đội. Quá trình luyện tập nhắc nhở bằng khẩu lệnh cương quyết nhưng vẫn nhẹ nhàng động viên, tạo tâm lý thoải mái để anh em thực hiện đúng động tác. Bởi càng đôn đốc, hối thúc anh em càng tâm lý và lúng túng, nguy cơ mất an toàn sẽ cao hơn”, Thiếu tá Lê Vũ, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn Cối 100mm cho hay.

leftcenterrightdel
  Huấn luyện bắn súng tiểu liên AK cho chiến sĩ mới của Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 330.

Theo kinh nghiệm của Trung úy Võ Quốc Thắng, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh cần bồi dưỡng cho tiểu đội trưởng về tư thế, động tác đúng cử động; cách thức duy trì bộ đội, phương pháp sửa tập trực tiếp hay dùng động tác mẫu; sau mỗi buổi tập rút kinh nghiệm cho từng đồng chí hoặc huấn luyện bổ trợ động tác tay, bả vai để ném lựu đạn được xa. “Tôi còn bồi dưỡng tiểu đội trưởng, quá trình kiểm tra bắn đạn thật phải biết duy trì, hướng dẫn bộ đội từ vị trí tập trung, nhận đạn đến các tuyến như thế nào để giúp chiến sĩ mới tập trung, ổn định tâm lý. Quá trình huấn luyện, tôi yêu cầu tiểu đội trưởng phải có sổ theo dõi kết quả học từng buổi của chiến sĩ. Trên sổ được vẽ một mặt bia nhỏ, đánh dấu lệch trái, lệch phải, thấp hoặc cao sau mỗi buổi kiểm tra và có nhận xét về buổi học đó nhằm điều chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng bắn súng của chiến sĩ”.

Tốt nghiệp chuyên ngành Công trình, Trường Sĩ quan Công binh, Trung úy Võ Nhật Nam, Trung đội trưởng Trung đội, Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh có lợi thế trong hướng dẫn bộ đội nội dung đánh thuốc nổ. Trung úy Võ Nhật Nam cho biết: “Tôi tham gia thực hiện nhiều công trình, thường tiếp xúc với các vật liệu nổ; vì vậy, kinh nghiệm mà tôi muốn truyền đạt cho anh em là bản lĩnh và động tác. Mỗi buổi luyện tập, tôi giới thiệu kỹ quy tắc an toàn, tính năng của kíp, tư thế ngồi, kỹ thuật cắm kíp, tra kíp, vừa làm vừa rèn bản lĩnh cho bộ đội; theo đó, tư thế người phải chắc chắn, đút dây cháy chậm vào kíp thì đút thẳng, không xoay dây cháy chậm, cảm giác thấy vừa cứng là được. Khi bóp kíp cách miệng kíp 1mm; đồng thời, khi cắt dây cháy chậm, cắt từng nhát một, không cò cưa sẽ gây vỡ lõi thuốc làm quá trình đánh lửa từ nụ xùy qua kíp sẽ không diễn ra…”.  

leftcenterrightdel
Giới thiệu đồ dùng gây nổ cho chiến sĩ mới của Đại đội 2, Tiểu đoàn Cối 100mm. 

Thiếu tá Phạm Phương Đại, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh cho biết: “Trình độ chiến sĩ mới không đồng đều, anh em lần đầu nghe tiếng nổ đã thấy run. Cách mà chúng tôi hay làm là “khích tướng”, bằng cách cho chiến sĩ thực hiện động tác ném lựu đạn xa đúng trúng đích, đường ngắm tốt, tra lắp đồ dùng gây nổ nhanh để làm mẫu cho tiểu đội, trung đội. Song song đó, là nhắc nhở đồng chí khác “tại sao anh em làm được mà mình không làm được” để cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Cùng với đó, tranh thủ buổi tối, đơn vị cho anh em xem clip về cấu tạo, chuyển động của súng AK hoặc kỹ thuật động tác tra lắp đồ dùng gây nổ, ném lựu đạn để rút kinh nghiệm cho bản thân”.

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, kiểm tra “3 tiếng nổ” là thể lực của bộ đội. Nếu chiến sĩ mới có thể lực tốt thì hành động sẽ linh hoạt, nhanh chóng, chính xác, phát huy được sức mạnh, ý chí. “Chiến sĩ mới sức khỏe còn hạn chế, có nội dung chưa theo kịp, đuối sức hay như ném lựu đạn chưa đạt yêu cầu... Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền, giáo dục để bộ đội hiểu rõ rèn luyện thể lực là nội dung bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhiệm vụ tại đơn vị. Do đó, đơn vị chú trọng kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực có nền nếp, chất lượng, nhằm tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai cho bộ đội. Đối với mỗi đối tượng, đơn vị tổ chức huấn luyện, kiểm tra sức khỏe, phân loại thể lực, có biện pháp rèn luyện riêng theo phương châm từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó”, Thiếu tá Phạm Phương Đại thông tin thêm.

Bài và ảnh: HỮU TÀI