Từng luống rau thẳng tắp, vuông vức, xanh mướt với đủ loại như muống, dền, cải xanh; giàn mướp, bầu, bí trĩu quả. Theo anh Bình, ngày mới bắt tay vào trồng trọt ai cũng nói khó khăn vì đất đai vùng này bị nhiễm phèn rất nặng, nước ngọt lại không có. Do vậy, khi bắt tay vào làm, bước đầu đơn vị đã huy động hàng trăm ngày công lao động của bộ đội để san lấp, xới bỏ những lớp “đất chết” để phủ lên bằng lớp tro bếp, mùn tràm. “Chúng tôi xây dựng lịch gieo trồng khoa học, tận dụng quỹ đất để trồng xen canh, gối vụ, bảo đảm vừa tiết kiệm diện tích đất trồng, phân bón, nước tưới, vừa phù hợp với thời vụ. Các loại củ, quả thì tận dụng những cành tràm được tỉa mé dựng lên thành giàn, vừa tiết kiệm được chi phí lại nhìn đẹp mắt, thống nhất. Nhiều năm qua, đơn vị luôn bảo đảm được 100% rau xanh, củ, quả các loại”, Thượng tá Hồ Thanh Bình nói.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 (Quân khu 9) chăm sóc rau xanh quanh chốt. |
Tứ giác Long Xuyên vốn là vùng đất nhiễm phèn nặng với dòng nước đỏ đặc trưng. Nếu trước đây, nơi này chỉ có duy nhất màu xanh của rừng tràm thì nay có thêm màu xanh của những luống rau, vườn cây ăn quả của bộ đội. Trong không gian tĩnh lặng của rừng tràm, chiếc vỏ lãi (thuyền máy nhỏ) đưa chúng tôi đi thăm các chốt của Sư đoàn 4. Điều khá đặc biệt là đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy rau được trồng ở các chốt dọc các tuyến kênh dẫn vào rừng. Vườn rau tuy nhỏ nhưng được phân chia theo từng khu, sản xuất theo tổ, đội.
Đang chăm sóc vườn rau chuẩn bị nhập bếp, Binh nhất Đặng Thanh Duy, chiến sĩ Tiểu đội Vệ binh, Trung đoàn 30, cho biết: “Do đất bị nhiễm phèn nhiều nên chúng tôi phải sử dụng vôi, phân hữu cơ trộn với tro trấu để cải tạo đất. Nước để tưới lấy ở các con kênh, sau đó lóng phèn, hoặc tận dụng nguồn nước mưa. Việc tăng gia sản xuất không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày mà còn giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức về trồng trọt. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, tôi sẽ áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt để ổn định cuộc sống...”.
Không chỉ mát tay trong việc trồng rau, nhiều đơn vị của Sư đoàn 4 còn nuôi được heo, bò, dê, trâu, heo rừng để tăng lượng thịt, đa dạng khẩu phần ăn của bộ đội. Ngoài ra, các đơn vị còn đào ao nuôi cá với nhiều loại như rô phi, chép, trê... Thượng tá QNCN Trần Văn Tài, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 30, chia sẻ: “Các ao nuôi cá đều được cải tạo khá công phu, từ việc trải bạt, bón vôi, rửa phèn đến việc lựa chọn giống cá, nhất là không để “trắng ao” sau mỗi vụ thu hoạch. Đối với gia súc, gia cầm, chúng tôi tính toán khoa học từ việc chọn con giống đến quy hoạch khu chăn nuôi; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, các chốt của trung đoàn đều tự túc được 100% thực phẩm cho bữa ăn bộ đội. Một số chốt còn nuôi được trâu, bò để bổ sung vào bữa ăn thêm trong ngày lễ, Tết cho cán bộ, chiến sĩ”.
Việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất không chỉ nhằm cải thiện đời sống, sức khỏe bộ đội mà Sư đoàn 4 còn làm điểm để từng bước nhân rộng, nâng cao ý thức lao động, sản xuất cho bà con trên địa bàn đứng chân. Trong thời điểm giá thị trường tăng cao và luôn biến động thì việc tăng gia được nhiều thực phẩm sạch là rất cần thiết. Mặt khác, công tác tăng gia sản xuất còn giúp cán bộ, chiến sĩ thấy được trách nhiệm trong việc xây dựng nguồn hậu cần tại chỗ bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Bài và ảnh: QUANG ĐỨC