leftcenterrightdel

Phóng viên của Báo Quân đội nhân dân Phạm Văn Hiếu chụp ảnh chung với trẻ em Abyei trong chuyến công tác tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) năm 2022.

Phóng viên (PV): Đồng chí chia sẻ về việc mình nhận lệnh lên đường cùng đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm như thế nào?

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu: Như đồng chí đã biết, thảm họa động đất diễn ra vào ngày 6-2 khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sự kiện quốc tế này hiện đang được người dân cả nước nói chung cũng như cộng đồng quốc tế vô cùng quan tâm, trong bối cảnh công tác cứu hộ cứu nạn đang được triển khai khẩn trương để chạy đua với thời gian.

Qua theo dõi diễn biến của thảm họa cũng như công tác cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria những ngày qua, tôi thực sự xúc động. Bản thân là một phóng viên, nhiều lúc tôi nghĩ ước gì mình được đến đó để trực tiếp tác nghiệp, để bạn đọc có thêm một kênh thông tin từ Báo Quân đội nhân dân. Và quả thực, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định cử lực lượng QĐND Việt Nam gồm 76 quân nhân sang thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Khi nhận được lệnh, tôi sẵn sàng ngay lập tức. Tôi vinh dự được đại diện cho Báo Quân đội nhân dân là thành phần trong đoàn để làm nhiệm vụ tuyên truyền.

Về thời gian lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ, như thông tin mới nhất tôi nhận được, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 12-2-2023.

PV: Phương tiện tác nghiệp mà đồng chí mang theo lần này có gì đặc biệt? Bạn đọc có thể đón chờ những gì trên Báo Quân đội nhân dân tại khu vực xảy ra thảm họa động đất?

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu: Từ khi về Báo Quân đội nhân dân, bên cạnh nỗ lực của bản thân, tôi đã được cơ quan cử đi tham gia một số lớp bồi dưỡng để trở thành một phóng viên “3 trong 1”, đó là vừa viết tin bài, chụp ảnh và làm clip…

Do xác định quá trình tác nghiệp tại hiện trường sẽ có nhiều vất vả, khó khăn nên để thuận lợi trong việc cơ động, tôi chỉ mang theo máy tính xách tay, máy ảnh, máy ghi âm. Điện thoại của tôi cũng có thể quay chụp và dựng clip rất tốt. Tôi sẽ vận dụng hết khả năng của mình, cũng như phối hợp với đồng đội tại các phòng ban của cơ quan để gửi về những hình ảnh, thông tin chân thực nhất về hoạt động cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của lực lượng QĐND Việt Nam cũng như các tổ chức khác. Chắc chắn bạn đọc, bạn xem có thể xem những hình ảnh, clip và những bài viết về công tác cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ trên Báo Quân đội nhân dân. Nếu chất lượng đường truyền tốt cũng như internet thuận lợi, bạn đọc có thể xem những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Quân đội nhân dân.

PV: Được biết đồng chí có vợ cũng là nhà báo và đang nuôi con nhỏ, đồng chí cho biết mình sẽ sắp xếp công việc ở nhà như thế nào?

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu: May mắn là hai vợ chồng cùng làm việc trong ngành báo chí nên tôi nhận được sự thấu hiểu của bà xã và ngược lại. Vì thế, ngay khi thông báo về chuyến công tác gấp này, vợ tôi động viên tôi cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và hỗ trợ tôi chuẩn bị quân tư trang.

Tất nhiên, vợ tôi cũng có phần lo lắng bởi hoạt động trong điều kiện hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một số khó khăn nhất định, trong đó bao gồm cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi đã hứa sẽ chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng đội trong quá trình tác nghiệp. Tôi cũng động viên vợ yên tâm ở nhà công tác, chăm sóc con bởi hai vợ chồng tôi đang ở riêng cùng một cháu nhỏ. Đây cũng không phải lần công tác xa nhà đầu tiên của tôi, nên vợ tôi cũng đã quen với hoàn cảnh.

Trước đó, cũng ngay trong buổi sáng nhận quyết định đi công tác, tôi cũng được bà xã báo tin vui có em bé thứ hai. Cảm giác vui sướng đan xen trong cả ngày hôm đó bởi mình biết gia đình sẽ có thêm thành viên mới, và rằng mình được cấp trên tin tưởng giao phó tham gia đợt tuyên truyền đặc biệt tới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ.

PV: Đây là lần thứ mấy đồng chí đi công tác nước ngoài? Đồng chí có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm tác nghiệp ở nước ngoài cũng như trong môi trường cứu hộ, cứu nạn?

leftcenterrightdel
Phóng viên Phạm Văn Hiếu chuẩn bị lên máy bay trực thăng của Liên hợp quốc tới Phái bộ UNYSFA. Ảnh: NVCC

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu: Được sự tạo điều kiện và nhận được tin tưởng của thủ trưởng các cấp, đặc biệt là thủ trưởng Ban Biên tập và phòng Biên tập Thời sự quốc tế, tôi đã có nhiều chuyến công tác nước ngoài trong quá trình làm báo. Gần đây nhất, tôi tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang thăm, làm việc tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) năm 2022 hay trước đó là chuyến đi cùng lực lượng hải quân sang tham gia môn Cúp biển thuộc Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021 tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga.

Mỗi chuyến đi đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng tựu chung lại, đều cho tôi nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp độc lập tại môi trường quốc tế, trong nhiều điều kiện ăn, ở, làm việc khác nhau và khác rất nhiều so với khi ở nhà.

Theo tôi, quan trọng nhất là hai chữ “chủ động”. Bản thân mình chủ động nắm hoạt động chính của đoàn, chủ động hình dung công việc, chủ động tham mưu với chỉ huy phòng để nhận định hướng tốt nhất, chủ động bám sát tình hình trên thực địa, chủ động máy móc kỹ thuật trong tình trạng tốt nhất, chủ động phỏng vấn, ghi hình nhiều nhất có thể nhưng đồng thời phải chủ động dự đoán tình hình để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như đồng đội, thành viên trong đoàn công tác.

PV: Xin cảm ơn đồng chí và chúc đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền trong chuyến công tác lần này!

VIỆT CƯỜNG (thực hiện)