Trong chuyến công tác về Sư đoàn 968 mới đây, chúng tôi có dịp tham gia buổi giáo dục truyền thống cho các chiến sĩ mới Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 19. Trong Phòng truyền thống Sư đoàn - nơi trưng bày nhiều tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, về Quân đội, Sư đoàn... các chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn chăm chú theo dõi từng lời giới thiệu của Đại úy Nguyễn Văn Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 5. Chỉ vào một bức chân dung treo trong khung ảnh, Đại úy Nguyễn Văn Long nêu câu hỏi: "Các đồng chí có biết người trong bức ảnh này là ai không?". Đại úy Nguyễn Văn Long nói tiếp: “Đó là lý do chúng ta phải học tập, tìm hiểu về truyền thống của quân đội, đơn vị và những chiến công của thế hệ cha anh”.
 |
Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tổ chức cho bộ đội tham quan Thành cổ Quảng Trị.
|
Một bài học giáo dục truyền thống cho chiến sĩ ở Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 19 đã được bắt đầu như thế! Từ bức ảnh Anh hùng LLVT nhân dân Cù Chính Lan, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp được dẫn dắt để làm nổi bật chiến công của Quân đội ta trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Theo lời giới thiệu của Đại úy Nguyễn Văn Long, trong chiến dịch Hòa Bình ở trận Giang Mỗ lần thứ hai, ngày 13-12-1951, khi địch lọt vào trận địa, cả đơn vị nổ súng quyết liệt, diệt gọn một đại đội địch. Lúc chuẩn bị rút thì một xe tăng địch tiếp viện tới, bắn dữ dội vào đội hình ta, chặn đường rút và làm nhiều chiến sĩ thương vong. Cù Chính Lan căm giận xông lên, nhảy lên xe tăng kề súng tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò. Nhưng không may tiểu liên bị hóc. Chiếc xe vẫn vừa chạy vừa bắn. Cù Chính Lan hô anh em tập trung lựu đạn đến cho mình, tiếp tục nhảy lên xe tăng mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra được vài giây rồi mới ném vào buồng lái... Trận đánh kết thúc thắng lợi. Tấm gương của đồng chí đã có tác dụng cổ vũ toàn quân thi đua diệt xe tăng và xe cơ giới địch.
 |
Tham quan, học tập các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. |
Ngày 29-12-1951, tham gia đánh đồn Cô Tô, bị thương hai lần, Cù Chính Lan vẫn dũng cảm xông lên phá tiếp hai lớp rào mở đường cho đơn vị tiến vào. Lần thứ ba, bị thương nặng, đồng chí vẫn không chịu rời trận địa, nằm tại chỗ chỉ hướng tiến và động viên anh em vào sau diệt địch. Cù Chính Lan đã anh dũng hy sinh khi trận đánh đồn Cô Tô vừa kết thúc thắng lợi. Đến ngày 19-5-1952, Cù Chính Lan được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
 |
Mời cựu chiến binh nói chuyện truyền thống. |
Theo Đại tá Nguyễn Chính Triều, Phó chính ủy Sư đoàn 968, để những bài giáo dục chính trị, truyền thống thêm sinh động, hấp dẫn, ngoài nội dung theo chương trình chung, Sư đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải tìm hiểu kỹ lịch sử, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, cựu chiến binh cung cấp, bổ sung vào bài giảng, khuyến khích sử dụng máy trình chiếu, có ví dụ minh họa thực tiễn sao cho bộ đội dễ hiểu, dễ vận dụng...
Với phương châm giáo dục truyền thống phải sinh động, hấp dẫn, cơ quan chính trị đã tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 968 chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ tích cực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền đạt để bài giảng thêm thuyết phục, hấp dẫn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động, hình thức giáo dục truyền thống cho bộ đội như: Tham quan, báo công tại các di tích lịch sử cách mạng; tọa đàm, thi tìm hiểu truyền thống, diễn đàn thanh niên, mời cựu chiến binh nói chuyện truyền thống…
 |
Tổ chức tọa đàm truyền thống. |
Ở Tiểu đoàn 5 đội ngũ cán bộ chính trị lại rất tích cực tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa của các nhân vật, sự kiện lịch sử để biên tập thành bộ đáp án và sáng kiến ra trò chơi "Thử tài chiến sĩ". Trò chơi này không chỉ phục vụ bộ đội thư giãn, giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, giờ giải lao trên thao trường mà qua các nhân vật lịch sử, các ca khúc cách mạng... giúp bộ đội hiểu sâu hơn về truyền thống quê hương, đất nước, đơn vị. Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống nhẹ nhàng nhưng hiệu quả thẩm thấu khá cao.
 |
Giáo dục truyền thống cho bộ đội trong giờ giải lao trên thao trường. |
Binh nhì Hồ Văn Hiếu, Chiến sĩ Tiểu đội Đại liên, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 bày tỏ: “Với phương pháp truyền đạt sinh động, trực quan, không gò bó thông qua trò chơi, câu thơ, văn vần và các ca khúc cách mạng, chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc; từ đó mỗi chiến sĩ nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG – HẢI MINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.