Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về công tác tại Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Mặc dù công việc bận rộn, vất vả, thường xuyên phải xa nhà, thu nhập ở mức trung bình nhưng tôi vẫn luôn tự hào với bạn bè, người thân vì mình là sĩ quan Quân đội. Môi trường Quân đội đã rèn luyện, giúp tôi trưởng thành về mọi mặt. Quá trình công tác ở đơn vị, tôi được cấp ủy, chỉ huy các cấp tạo điều kiện để cống hiến và phát triển. Tuy mới ra trường được hơn 4 năm nhưng nhờ sự quân tâm, giúp đỡ của cấp trên, đồng đội cùng nỗ lực của bản thân, tôi cũng đã giành được một số thành tích, nhất là khi tham gia các hội thi, hội thao. Năm 2022, tôi vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; năm 2023 được nhận Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Mới đây, tôi được bình chọn là gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022 và được thăng quân hàm trước niên hạn từ Thượng úy lên Đại úy.

Đại úy VŨ THÀNH LIÊM (Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3)

leftcenterrightdel
 Trung úy Nguyễn Trung Kiên, Trung đội trưởng Trung đội 10, Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 tổ chức huấn luyện nội dung đặt bộc phá tiêu diệt xe thiết giáp. Ảnh: PHƯƠNG NHẬT


------------------------------

"Tiếp sức" cho sĩ quan trẻ

 Tỷ lệ sĩ quan trẻ (SQT) ở Trung đoàn 196, Quân chủng Hải quân là 56%. Thời gian qua, đơn vị có nhiều mô hình giúp các đồng chí SQT nhanh chóng bắt nhịp công việc. Nổi bật là tổ tư vấn tâm lý, tình cảm, pháp luật giúp theo dõi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của SQT. Ngoài ra, còn có các mô hình: Câu lạc bộ ngoại ngữ, Câu lạc bộ công nghệ thông tin, Kíp tàu mẫu mực, Câu lạc bộ sáng kiến sáng chế... tạo thuận lợi để SQT cống hiến cũng như rèn luyện, học tập lẫn nhau. Điểm mạnh của SQT là tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi và luôn năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, hạn chế của SQT là tác phong công tác chưa thật tỉ mỉ, trình độ chuyên môn ở một số nội dung chuyên sâu chưa cao, kinh nghiệm thực tiễn còn ít, một số đồng chí còn chủ quan, đơn giản, nóng vội... Đây là nguy cơ dẫn đến sai sót, mất an toàn trong huấn luyện, công tác... 

Theo tôi, để nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì rất cần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, nhận thức, trách nhiệm, ý thức binh nghiệp, bảo đảm đầu ra của quá trình đào tạo phải là các sĩ quan "vừa hồng, vừa chuyên". Cùng với đó là tăng thời gian huấn luyện thực hành, thời gian thực tập cho học viên tại các đơn vị cơ sở; nghiên cứu các mô hình, sáng kiến để áp dụng trong giảng dạy tại các học viện, nhà trường, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học... Kết hợp giáo dục nhận thức chính trị, truyền thụ kiến thức chuyên môn, rèn luyện tác phong chỉ huy với bồi dưỡng kỹ năng sống cần thiết để đội ngũ SQT thích nghi tốt với môi trường Quân đội, tin tưởng vào con đường binh nghiệp, có khát vọng cống hiến, có mục tiêu lý tưởng rõ ràng.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC DƯƠNG (Chính ủy Trung đoàn 196, Quân chủng Hải quân)

--------------------------------------

Đào tạo phải gắn với thực tiễn

Phần lớn sĩ quan trẻ (SQT) về công tác tại Sư đoàn 8, Quân khu 9 đã nắm chắc công tác tham mưu tác chiến trong xây dựng văn kiện sẵn sàng chiến đấu, tiến hành hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, hậu cần, kỹ thuật; tổ chức huấn luyện gắn lý thuyết với thực hành, giữa kỹ thuật với chiến thuật sát với điều kiện thực tế. Qua đánh giá chất lượng đảng viên, nhận xét cán bộ hằng năm có hơn 95% SQT hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; nhiều SQT có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, được tin tưởng bổ nhiệm giữ cương vị cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số SQT hạn chế về năng lực; lúng túng trong chỉ huy, quản lý đơn vị, nhất là số cán bộ đào tạo văn bằng đại học thứ hai...

Để nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, cần chuẩn hóa chương trình, nội dung theo hướng hiện đại, sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và điều kiện thực tiễn đặt ra. Nâng cao kỹ năng tham mưu tác chiến, chỉ huy, điều hành; trình độ tin học, ngoại ngữ... Chương trình, nội dung phải vừa cơ bản, vừa cụ thể, làm nền tảng cho bậc học tiếp theo, giúp người học có khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách đảm nhiệm ban đầu khi mới ra trường. Coi trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, khả năng tư duy, nhạy bén trong xử lý các tình huống thực tiễn, vừa trang bị tri thức chuyên sâu, vừa bồi dưỡng kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cho học viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường với đơn vị nhằm trao đổi, thu thập kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của các đơn vị để truyền thụ kinh nghiệm cho học viên trong quá trình đào tạo. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cần tăng cường thời gian đi thực tế tại đơn vị để gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn.

Đại tá NGUYỄN VĂN HOA (Chính ủy Sư đoàn 8, Quân khu 9)