Đại tá VŨ VĂN NGUYÊN, Chính ủy Lữ đoàn 972 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần):

Phản ánh bức tranh chân thực ở cơ sở

Vệt bài “Kinh nghiệm tiến hành công tác tư tưởng (CTTT) ở cấp trung đội”, đăng trên Báo QĐND phản ánh bức tranh chân thực ở cơ sở. Nổi bật là tình cảm đồng chí, đồng đội và mối quan hệ gắn bó cán-binh gần gũi, thân thiết như anh em một nhà. Tình cảm và mối quan hệ ấy bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc, của quân đội và phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, tạo nên sức mạnh ngay từ cơ sở, giúp Quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở được đào tạo cơ bản, được rèn luyện và trải qua hoạt động thực tiễn; có môi trường công tác thuận lợi để hoàn thiện bản lĩnh, nhân cách và tích lũy kinh nghiệm huấn luyện, quản lý, chỉ huy bộ đội. Cán bộ cấp trung đội bước đầu có phương pháp giải quyết công việc và kỹ năng giao tiếp, ứng xử hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ bản biết cách tiến hành CTTT thông qua những hành động, việc làm cụ thể, tạo sự gắn kết thân thiện, dân chủ, cởi mở trong tập thể quân nhân.

Đặc biệt, đối với chiến sĩ ở các đơn vị chuyên môn kỹ thuật, hoặc làm nhiệm vụ đặc thù, nơi địa bàn phức tạp, đội ngũ cán bộ cơ sở càng có vai trò quan trọng giúp chiến sĩ ổn định tư tưởng, xác định rõ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung đội tiêu đồ 9x9 Tiểu đoàn 10, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không- Không quân huấn luyện chiến sĩ đi đường bay trên giấy bóng kính mờ. Ảnh: TẤN TUÂN 

Mặt khác, nhờ sự gần gũi, sâu sát, thực hiện “4 cùng” với chiến sĩ nên cán bộ cơ sở nghe được, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, kịp thời phát hiện những trăn trở trong tư tưởng, tình cảm, những hoàn cảnh đặc biệt, “cá biệt” của chiến sĩ, để có biện pháp động viên, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả.

Nhiều năm nay, ở các đơn vị quân đội nói chung, Lữ đoàn 972 nói riêng, không còn tình trạng quân phiệt, do duy trì thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời công tác quản lý, giáo dục được tiến hành thường xuyên, nền nếp. Đội ngũ cán bộ có tác phong làm việc dân chủ, chính quy, thấu tình đạt lý, không áp đặt ý chí chủ quan của mình cho chiến sĩ. Cán bộ trung đội phát huy tốt vai trò, khả năng trong công tác quản lý, chỉ huy đơn vị; chú trọng xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong tập thể, xứng đáng là người anh thân thiết, chân thành của chiến sĩ; được bộ đội quý trọng, tin yêu, ủng hộ trong mọi công việc.

Vệt bài “Kinh nghiệm tiến hành CTTT ở cấp trung đội” cũng đặt ra những vấn đề thực tiễn để đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy quan tâm, tăng cường bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ trẻ, khích lệ trung đội trưởng phát huy sở trường, năng lực công tác; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ trung đội khẳng định bản thân, củng cố mối quan hệ đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ, cùng nhau xây dựng đơn vị thành “ngôi nhà chung” đoàn kết, thân tình, kỷ cương, vững mạnh.

------------

Trung úy VÕ ANH HÀO, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 (Trường Sĩ quan Lục quân 2):

Tôi học được nhiều kinh nghiệm quý

Tôi đã đọc rất kỹ vệt bài “Kinh nghiệm tiến hành CTTT ở cấp trung đội”. Mỗi bài đề cập một chủ đề khác nhau xoay quanh trục xuyên suốt là vị trí, vai trò, kinh nghiệm, cách làm hay và những khó khăn, vướng mắc của trung đội trưởng trong công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ. Đọc vệt bài, tôi cảm nhận như có mình trong đó. Điều quan trọng hơn, thông qua vệt bài tôi tự nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả tiến hành CTTT của mình trên cương vị trung đội trưởng trong thời gian qua.

Từ những câu chuyện, tình tiết trong vệt bài, tôi học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích cùng những bài học quý được rút ra từ thực tiễn ở các đơn vị. Trước đây, tôi từng trăn trở, làm thế nào để xứng đáng là người chỉ huy, người thầy, người anh trong trung đội? Tôi cũng từng gặp trường hợp học viên, chiến sĩ cá biệt, không chấp hành các quy định của đơn vị... Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên, tôi đã giải quyết ổn thỏa các tình huống. Dù vậy, nhiều lúc tôi cảm thấy mình chưa làm tròn chức trách trên cả 3 vai (người chỉ huy, người thầy, người anh) dù đã được cấp trên hướng dẫn, chỉ bảo thường xuyên trong quá trình công tác. Đọc xong vệt bài, tôi ghi lại những kinh nghiệm của đồng đội là trung đội trưởng ở các đơn vị mà Báo QĐND đã khảo sát, để vận dụng phù hợp với đặc điểm đối tượng quản lý của đơn vị mình. Thú vị ở chỗ, các tình huống, dẫn chứng mà báo nêu trong từng bài rất cụ thể, người thật, việc thật, giúp tôi dễ so sánh, đối chiếu với thực tế đơn vị để tiến hành CTTT và giải quyết các tình huống tư tưởng phát sinh trong trung đội.

Hiện tại, trung đội tôi có quân số khá đông, quê ở nhiều vùng, miền khác nhau, nên trung đội trưởng phải vững cả về trình độ, kỹ năng và khéo léo xử lý các mối quan hệ, các tình huống thường ngày. Vận dụng kiến thức được học trong nhà trường, từ cán bộ cấp trên và từ thực tiễn của đồng đội trong vệt bài, tôi tự điều chỉnh phương pháp, gần gũi, sẻ chia, tăng cường mối quan hệ đoàn kết cán-binh để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

------------

Thiếu úy NGUYỄN NGỌC ÁNH, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 11, Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn Công binh 28, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Cán bộ phải tròn "hai vai"

Trung đội trưởng là người quản lý trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng công tác, sinh hoạt với bộ đội. Giữa trung đội trưởng và chiến sĩ có mối quan hệ gắn bó khăng khít dựa trên quan hệ công tác, những chuẩn mực đạo đức và tình cảm đồng chí, đồng đội. Từ kinh nghiệm bản thân thấy rằng, để tạo niềm tin giúp bộ đội yên tâm tư tưởng, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, trung đội trưởng giữ vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó cán-binh, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho chiến sĩ. Muốn vậy, trung đội trưởng phải phân định rạch ròi giữa công việc và tình cảm.

Cụ thể là, trong công việc phải dựa trên điều lệnh, điều lệ của quân đội, quy định của đơn vị để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Là cấp trên, trung đội trưởng cần phát huy tốt vai trò trong quản lý, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ, truyền thụ những kiến thức, kinh nghiệm, duy trì chế độ, nền nếp, quản lý kỷ luật chặt chẽ, thực hiện quy định khen thưởng-xử phạt nghiêm minh. Trong sinh hoạt đời thường, trung đội trưởng như người anh trong gia đình quan tâm, gần gũi chia sẻ, động viên chiến sĩ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những biểu hiện nảy sinh để có hướng giúp đỡ.

Khi xa gia đình, chiến sĩ rất cần chỗ dựa về tinh thần. Khi ấy cán bộ trung đội cần phát huy vai trò người anh đi trước, quan tâm chia sẻ mọi buồn vui, giúp đỡ chiến sĩ vượt qua những khó khăn trong đời sống. Nói như vậy để thấy rằng, trung đội trưởng cần phải làm tròn "hai vai": Người chỉ huy ở đơn vị và người anh trong sinh hoạt đời thường. Vì thế, trong công việc cần giữ đúng nguyên tắc, quy định nhưng trong sinh hoạt lại phải hết sức linh hoạt, khéo léo. Trung đội trưởng gương mẫu trong phương pháp, tác phong chỉ huy nhưng chân thành tình cảm, gần gũi, yêu thương bộ đội sẽ tạo được lòng tin giúp chiến sĩ thêm yêu mến, gắn bó đơn vị, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

-------------

Chiến sĩ mới VŨ NHƯ THUẦN, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1:

Gần gũi như một người anh!

Đọc loạt bài “Kinh nghiệm tiến hành CTTT ở cấp trung đội” của nhóm tác giả, tôi rất tâm đắc với hình ảnh “bát mì tôm mở lòng” của đồng chí trung đội trưởng khi chiến sĩ thuộc quyền đang có dấu hiệu của “bệnh tư tưởng”. Theo tôi, đó là một cách làm rất độc đáo và ý nghĩa; bằng những cử chỉ thân tình, ấm áp, gần gũi trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, việc làm của đồng chí trung đội trưởng đã “chạm” tới trái tim người chiến sĩ (lúc này đang rất bế tắc), giúp anh ta vượt lên cảm giác tự ti, buồn chán, để rồi sau bữa tối “ngoài thực đơn” đó, chiến sĩ ấy có thể nói lên những lời “gan ruột”, dốc bầu tâm sự với trung đội trưởng như anh trai của mình.

Là chiến sĩ nhập ngũ năm 2022, trong quãng thời gian vừa qua, chúng tôi luôn được chỉ huy các cấp quan tâm, giúp đỡ; trong đó, người luôn sát sao, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi nhiều nhất là trung đội trưởng. Quả thật, những ngày đầu quân ngũ quá mới mẻ với chúng tôi và nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Những lúc “yếu lòng” đó, chúng tôi được anh quan tâm, gần gũi, sẻ chia và luôn tạo cho chúng tôi động lực, quyết tâm phấn đấu. Mặc dù là chiến sĩ mới, chưa được trải nghiệm nhiều về cuộc sống quân ngũ nhưng qua loạt bài tiến hành CTTT ở cấp trung đội, tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm chân thành của các trung đội trưởng dành cho chiến sĩ. Các anh là người gần gũi, hiểu chiến sĩ nhất, giúp chúng tôi dễ dàng bộc bạch tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình.

Ngày mai, ngày kia và những ngày tiếp theo là khóa huấn luyện chiến sĩ mới ở cường độ cao với nhiều khó khăn, thử thách; sẽ nắng thao trường cháy rám làn da và những giọt mồ hôi lăn dài trên má; nhưng chúng tôi luôn vững ý chí, chắc niềm tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bởi ở phía sau có các anh trung đội trưởng luôn dõi theo, ngóng trông chúng tôi trưởng thành từng ngày!

--------------

Ông ĐÀO VĂN LAM, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình:

Tôi đã đúng!

Đọc loạt bài “Kinh nghiệm tiến hành CTTT ở cấp trung đội” trên Báo QĐND, tôi càng vững tin vào quyết định của mình. Con trai tôi nhập ngũ năm 2022 ở Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu. Với điều kiện kinh tế hiện tại của gia đình, vợ chồng tôi không khó để tìm cho cháu công việc ổn định, nhàn hạ. Nhưng để nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình và cũng là quyết tâm của con cháu, tôi nhất trí để cháu viết đơn tình nguyện nhập ngũ; một mặt vừa hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, mặt khác để cháu có cơ hội rèn luyện cho mình bản lĩnh, ý chí, niềm tin và kỷ luật của người chiến sĩ. Mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là cháu phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt, có sức khỏe, có trình độ mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vợ chồng tôi chưa thể lên thăm con trai và đơn vị cháu. Tuy nhiên, mỗi lần cháu gọi điện về, kể cho chúng tôi nghe các cháu được đơn vị bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, được ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe chu đáo, được huấn luyện cơ bản trong điều kiện hệ thống cơ sở vật chất, doanh trại chất lượng rất tốt, chúng tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng môi trường quân đội và đơn vị nơi con trai tôi đang rèn luyện.

Một trong những nội dung tôi rất tâm đắc trong loạt bài là mô hình “Tâm thư gửi gia đình chiến sĩ” được một số đơn vị đang triển khai thực hiện. Trước khi giải quyết cho bộ đội nghỉ phép theo chế độ, chỉ huy đơn vị đều tiến hành gặp gỡ, giáo dục, giao nhiệm vụ cho quân nhân nắm chắc quy định trong thời gian nghỉ phép, đồng thời gửi theo một lá thư về gia đình quân nhân. Theo tôi, lá thư mà đơn vị gửi về gia đình giống như “cuốn sổ liên lạc” mang lại “mục tiêu kép”, vừa giúp chúng tôi biết được tình hình học tập, rèn luyện của con em mình; đồng thời có ý kiến phản hồi với chỉ huy đơn vị, giúp các cán bộ quản lý nắm bắt tình hình tư tưởng khi các cháu ở nhà và hoàn cảnh gia đình của bộ đội, từ đó có biện pháp quản lý, rèn luyện kịp thời.