Gặp mặt, gửi tâm thư

Gần 11 giờ, bà Vũ Thị Dâng, ở xã Nga Phú (Nga Sơn, Thanh Hóa) mới đi làm về. Vừa bước chân tới cổng, bà bất ngờ khi thấy con trai-Hạ sĩ Nguyễn Văn Tuyên, chiến sĩ Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) tươi cười chạy ra đón mẹ. Nhìn thấy con trai, bà Dâng vui mừng rơi nước mắt.

“Con được đơn vị cho về nghỉ phép”-vừa nói, Tuyên vừa nhanh tay lấy, đưa mẹ lá thư của chỉ huy đơn vị gửi về gia đình. Đọc xong lá thư, bà Dâng càng thêm hạnh phúc khi thấy con trai trưởng thành hơn nhiều và được chỉ huy đơn vị biểu dương. Bao vất vả, mệt nhọc tan biến, bà xoa đầu con trai: “Cố gắng lên con nhé! Nhớ học tập, rèn luyện thật tốt để mẹ yên lòng”.

Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn Kỹ thuật hậu cần sân bay, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức huấn luyện nội dung canh phòng cho chiến sĩ. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Cũng như bà Dâng, ông Mai Xuân Hiên, ở xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) khi nhận được lá thư của đơn vị do con trai là Binh nhất Mai Xuân Hiếu, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 15 (Sư đoàn 312) mang về, ông Hiên rưng rưng xúc động. Từng công tác trong môi trường quân ngũ, sau bữa cơm trưa, ông gọi con trai vào “giao nhiệm vụ” trong thời gian nghỉ phép ở nhà phải chuẩn mực, lễ độ, giữ đúng tác phong của Bộ đội Cụ Hồ. Nghe xong lời bố chỉ bảo, Hiếu vui vẻ hứa với bố và cả gia đình sẽ không ngừng cố gắng để trở thành chiến sĩ gương mẫu.

Từ câu chuyện của hai gia đình chiến sĩ nêu trên và qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, với phương châm kết hợp giữa địa phương, gia đình và đơn vị cùng giáo dục, rèn luyện, theo dõi sự trưởng thành của bộ đội, những năm qua, Sư đoàn 312 đã triển khai mô hình “Tâm thư gửi gia đình chiến sĩ”. Theo đó, trước khi giải quyết cho chiến sĩ nghỉ phép theo chế độ, chỉ huy các đơn vị từ trung đội trở lên đều tiến hành gặp gỡ, giáo dục, giao nhiệm vụ cho từng quân nhân chấp hành nghiêm các quy định trong thời gian nghỉ phép; đồng thời, đơn vị gửi kèm một lá thư về gia đình quân nhân.

Ngoài nội dung thăm hỏi thông thường, trong thư, chỉ huy đơn vị còn đề nghị gia đình, địa phương phối hợp tuyên truyền, giáo dục con em mình chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của địa phương; khích lệ con em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ở các đơn vị: Lữ đoàn 434 (Quân đoàn 4), Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7), Lữ đoàn Thông tin 596 (Binh chủng Thông tin liên lạc)..., việc tổ chức gặp gỡ đại diện địa phương, gia đình chiến sĩ được thực hiện khá nền nếp. Tùy tình hình thực tế, vào ngày nghỉ, chỉ huy đơn vị mời đại diện các địa phương giao quân và đại diện gia đình có con đang tại ngũ lên đơn vị giao lưu, tham quan nơi ăn ở của chiến sĩ, điều kiện sinh hoạt, học tập của đơn vị và chứng kiến con em mình thực hiện các chế độ, nền nếp trong quân đội; đồng thời thông báo kết quả huấn luyện, rèn luyện của các chiến sĩ cho gia đình, địa phương.

Từ những lần gặp gỡ đó, sự phối hợp giữa địa phương, gia đình với đơn vị ngày càng khăng khít, hiệu quả. Đại tá Dương Kim Tần, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 434, khẳng định: “Những lần gặp mặt đại diện địa phương, gia đình chiến sĩ là cơ hội để cán bộ các cấp nắm bắt, trao đổi thông tin, tăng cường phối hợp quản lý, giáo dục chiến sĩ; bổ sung, nâng cao sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau cùng hướng tới mục tiêu vì sự trưởng thành của chiến sĩ. Đây cũng là dịp để cán bộ trung đội tiếp cận, hiểu thêm hoàn cảnh gia đình, tâm lý, tính cách, mối quan hệ của chiến sĩ giúp ích cho việc quản lý tư tưởng bộ đội”.

Nắm chắc trường hợp đặc biệt, cá biệt

Sau 3 năm tốt nghiệp ra trường, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn Kỹ thuật hậu cần sân bay (Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân) tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý chiến sĩ. Theo anh, để quản lý đạt hiệu quả, việc nắm chắc các thông tin về quân nhân, nhất là những hoàn cảnh cá biệt, giữ vai trò quan trọng. Anh kể về trường hợp của Trung sĩ Nguyễn Xuân Hùng, chiến sĩ Trung đội 1. Hùng kết hôn trước khi nhập ngũ. Ở môi trường mới, Hùng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện nhưng vẫn trăn trở về gia đình, nhất là sau khi biết tin vợ bị bệnh. Trung đội trưởng Nguyễn Tuấn Anh liền gọi điện về nhà nắm tình hình gia đình của Hùng.

Qua đó, anh biết vợ Hùng mang bầu nhưng bị u nang. Khi thai nhi lớn dần thì bị canxi hóa bánh nhau giai đoạn 3, ảnh hưởng đến việc truyền dưỡng chất giữa mẹ và con. Các bác sĩ buộc phải áp dụng biện pháp y học để vợ Hùng sinh con sớm. Do đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, Hùng không thể về chăm sóc vợ con. Biết rõ hoàn cảnh của Hùng, Trung đội trưởng Nguyễn Tuấn Anh thăm hỏi, tạo điều kiện để Hùng thường xuyên gọi điện về nhà động viên vợ. Nhờ vậy, Hùng yên tâm hơn, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, việc nắm tư tưởng chiến sĩ phải được tiến hành chặt chẽ, tỉ mỉ ngay từ ngày đầu vào đơn vị thông qua “kiềng 3 chân” để hiểu hoàn cảnh của chiến sĩ; nhạy bén phát hiện những trường hợp cá biệt, cần được quan tâm chú ý. Bên cạnh đó, mô hình “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) đang được thực hiện ở nhiều đơn vị phía Nam phát huy tốt tác dụng, giúp trung đội trưởng quản lý, điều hành trung đội thêm hiệu quả.

Thượng úy Võ Tuấn Nghĩa, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 102, Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 71 (Quân đoàn 4), chia sẻ: “Thực hiện “4 cùng” và phát huy vai trò “kiềng 3 chân” giúp tôi quản lý chặt chẽ tư tưởng, kỷ luật chiến sĩ và tự tin “5 biết” trong công tác tư tưởng (biết lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình; biết năng lực, trình độ; biết năng khiếu, sở trường, đặc điểm cá nhân; biết các mối quan hệ xã hội; biết hoạt động hằng ngày của từng cá nhân) để không bị động trước mọi tình huống”.

Nói rồi anh nêu ví dụ: "Đầu năm 2020, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ là Trung đội trưởng quản lý chiến sĩ mới. Trong trung đội tôi có đồng chí Phan Gia Bảo, chiến sĩ Tiểu đội 10. Lúc tôi làm thủ tục tiếp nhận chiến sĩ mới, Bảo nổi bật với mái tóc dài nhuộm vàng hoe. Trải qua hai tuần quản lý, huấn luyện, áp dụng phương châm “4 cùng”, tôi nhận ra Bảo khá kiêu ngạo. Vào những giờ huấn luyện bắn súng tiểu liên AK, Bảo tỏ vẻ am tường về súng ống, không tập trung nghe hướng dẫn của cán bộ, chểnh mảng tập luyện và còn lên mặt với đồng đội. Vận dụng biện pháp “kiềng 3 chân”, tôi biết thêm, trước đây Bảo nghiện chơi game, giỏi “bắn” bằng bàn phím. Với kinh nghiệm của mình, tôi dự báo được kết quả bắn đạn thật của Bảo sẽ không đạt yêu cầu.

Tới ngày bắn thử, đúng như dự đoán của tôi, khi Bảo vào tuyến bắn và bắt đầu ngắm bắn, thì những tiếng nổ từ các bệ khác khiến Bảo hoảng hốt, vã mồ hôi, tay run lập cập. Cả 3 viên đạn đều không trúng bia. Bảo cúi mặt, bật khóc. Tối hôm đó, tôi gọi Bảo lên phòng và chỉ ra những khuyết điểm cần sửa chữa. Từ hôm sau, Bảo thay đổi hẳn, siêng năng luyện tập, khiêm tốn học hỏi và dần tiến bộ. Kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, Bảo giành “Hoa bắn giỏi”, được tiểu đoàn biểu dương".

Trước khi ngừng lời, Thượng úy Võ Tuấn Nghĩa nhấn mạnh: “Kết hợp hài hòa giữa gia đình, địa phương với đơn vị; đồng thời tự mình tìm hiểu qua thực tiễn công tác và các nguồn tin để nắm chắc chiến sĩ, nhất là các trường hợp cá biệt là "bảo bối" để cán bộ nói chung và trung đội trưởng nói riêng hoàn thành tốt vai trò “chủ trì” công tác Đảng, công tác chính trị ở trung đội”.

(còn nữa)

TẤN TUÂN - HOÀNG THÀNH - VŨ DUY - ĐÀO LÂM