Bài 1: Xứng đáng là “chính trị viên” trung đội
Với vốn kiến thức được đào tạo ở các nhà trường quân đội, cùng sự nỗ lực trong công tác, nhiều cán bộ trung đội đã thực hiện tốt CTTT thông qua những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn, trở thành chỗ dựa tinh thần cho chiến sĩ.
Giỏi nắm bắt, khéo khen-phê
Gần 10 giờ đêm, nhưng phòng ở của Trung úy Hoàng Tiến Dũng, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) vẫn sáng đèn. Dũng đang ghi chép bổ sung hoàn cảnh gia đình, số điện thoại người thân, sở trường, sở đoản của một chiến sĩ trong đơn vị mà anh mới tìm hiểu được vào sổ công tác. Theo anh, đây là việc làm thường xuyên của cán bộ trung đội, bởi càng nắm chắc trích ngang, hoàn cảnh gia đình bộ đội thì càng dễ quản lý, chỉ huy, dự báo hành vi và kịp thời giải quyết tư tưởng bộ đội.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 kiểm tra bắn súng AK bài 1 cho chiến sĩ, năm 2021. Ảnh: TRUNG HIẾU
|
Lấy ví dụ một trường hợp cụ thể, Trung úy Hoàng Tiến Dũng kể: Cách đây hai năm, bước sang tuần thứ 3 huấn luyện chiến sĩ mới, khi luyện tập nội dung bắn súng tiểu liên AK bài 1, Binh nhì Nguyễn Hữu Tiến, quê ở xã Gia Phú (Gia Viễn, Ninh Bình) lấy đường ngắm không ổn định, mặc dù được tiểu đội trưởng và đồng đội hướng dẫn, kèm cặp nhưng vẫn chậm tiến bộ. Do không theo kịp đồng đội, Tiến tỏ ra tự ti, buồn chán, nhiều lần bỏ bữa ăn. Nắm được tình hình, sau bữa cơm tối, Trung đội trưởng Dũng chủ động pha sẵn hai tô mì nóng hổi và mời Tiến vào phòng cùng ăn. Thấy chiến sĩ còn chần chừ, e ngại, Dũng mở lòng: “Mấy hôm nay, anh thấy em không ăn cơm tối, nên mời em cùng ăn mì với anh. Phải ăn mới có sức khỏe em ạ!”.
Cảm nhận được tấm chân tình của trung đội trưởng, sau khi ăn xong, Tiến tâm sự: “Thời gian gần đây, tâm trạng em rất rối bời, khó tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện, vì ở nhà bố em đang ốm nặng. Thương bố mang bệnh, lại lo bố ở nhà một mình tự chạy chữa thuốc thang, cáng đáng mọi việc nên em không yên tâm công tác”.
Nghe những lời tâm sự gan ruột ấy, Trung đội trưởng Dũng thấu cảm hơn về hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ. Ngay tối đó, anh báo cáo chỉ huy đại đội để cùng chia sẻ, động viên, giúp đỡ Tiến. Hằng ngày, anh dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với Tiến. Anh kể cho Tiến nghe về truyền thống trung đoàn, về nghị lực vượt khó vươn lên của đồng chí, đồng đội và động viên Tiến yên tâm phấn đấu, giành “hoa bắn giỏi” mang về tặng bố. Trong huấn luyện, Trung đội trưởng Dũng trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng giúp đỡ Tiến. Giờ nghỉ, ngày nghỉ anh tạo điều kiện cho Tiến mượn điện thoại thông minh để gọi điện qua nền tảng mạng xã hội Zalo hỏi thăm bệnh tình của bố. Trong sinh hoạt đời thường, Dũng không để Tiến một mình mà luôn hướng cho chiến sĩ này tham gia các hoạt động chung của đơn vị... Cứ thế, sau một thời gian ngắn, Nguyễn Hữu Tiến đã yên tâm tư tưởng, thoải mái tinh thần và ngày càng tiến bộ.
Ở Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312), Trung úy Nguyễn Văn Sang, Trung đội trưởng Trung đội Thông tin (Tiểu đoàn 6) là một trong những cán bộ trung đội hoàn thành tốt nhiệm vụ tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Theo “bí quyết” của Sang, vào giờ đọc báo hay những buổi sinh hoạt trung đội, anh chủ động lựa chọn, thông tin cho bộ đội về những tấm gương cán bộ, chiến sĩ dũng cảm cứu người, nhặt được của rơi trả người đánh mất... Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, anh thường thông tin cho bộ đội về hình ảnh các chiến sĩ trẻ không ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy, xông pha nơi “tâm dịch” cứu giúp nhân dân. Thông qua những tấm gương đó, Trung đội trưởng Sang nhắn nhủ đến các chiến sĩ trong đơn vị về tinh thần dũng cảm, đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng xả thân để bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân; đồng thời, anh khéo léo khơi dậy tình cảm, ý thức trách nhiệm, động cơ phấn đấu của chiến sĩ thông qua những hình ảnh đẹp từ đồng đội. Cũng trong giờ sinh hoạt, Trung đội trưởng Sang kịp thời biểu dương, khích lệ các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong ngày và nhắc nhở, phê bình những chiến sĩ thực hiện chưa nghiêm chế độ, quy định... Nhờ đó, tất cả chiến sĩ trong trung đội anh luôn thoải mái tư tưởng, đoàn kết, thi đua luyện giỏi, rèn nghiêm, hăng say công tác.
Thấu hiểu, sẻ chia cùng chiến sĩ
Những câu chuyện chúng tôi ghi nhận trong quá trình khảo sát thực tế cho thấy, trung đội trưởng luôn là điểm tựa tinh thần của bộ đội, là chỗ dựa tin cậy để chiến sĩ dốc bầu tâm sự mỗi khi buồn, vui...
Câu chuyện của Binh nhất Trần Minh Tiến, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) là một minh chứng. Sáng 5-9-2021, khi đang cùng đơn vị tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại phường 1, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), Tiến nhận được hung tin mẹ vừa qua đời ở tuổi 62, do suy tim. Nỗi đau quá lớn khiến Tiến thẫn thờ, nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm đen vì bao ngày tham gia chống dịch. Thấu hiểu nỗi buồn đau của chiến sĩ, Thiếu úy Nguyễn Xuân Mỹ, Trung đội trưởng Trung đội 2 đã dành nhiều thời gian an ủi, chia sẻ với Tiến nỗi đau mất người thân. Anh tự tay bài trí ban thờ để Tiến bái vọng mẹ từ xa; cho Tiến mượn điện thoại thông minh để gọi có hình nhìn toàn cảnh tang lễ mẹ ở quê. Những ngày chống dịch sau đó, anh luôn kề cận, an ủi Tiến như một người anh thân thiết, giúp Tiến vững vàng vượt qua mất mát.
Theo anh Mỹ, mỗi cán bộ trung đội trưởng cần xác định rõ vai trò của mình, trong công việc là người chỉ huy, là cấp trên, là người thầy của chiến sĩ; trong cuộc sống là người anh, có lúc là người bạn, phải phân biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống, biết đau cùng nỗi đau của chiến sĩ, biết vui mỗi khi chiến sĩ tiến bộ...; từ đó xây dựng được uy tín, niềm tin và tạo dựng tình cảm chân thành với bộ đội.
Những điều này được khẳng định qua tâm sự của Binh nhất Trần Minh Tiến: “Lúc suy sụp nhất, tôi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của chỉ huy và đồng đội. Trung đội trưởng Mỹ chăm lo cho tôi từng việc nhỏ, an ủi tôi như thể anh em ruột thịt. Cảm động và cảm phục trước tình cảm chân thành của anh, tôi quyết tâm nén nỗi đau riêng, cùng đồng đội xông pha chống dịch để vơi dần đi nỗi đau ly biệt”.
Nói về vai trò của đội ngũ cán bộ trung đội trong đơn vị, Đại tá, TS Lê Khắc Huy, Chính ủy Sư đoàn 309 tâm đắc: “Trung đội trưởng là người gần gũi nhất để chiến sĩ bộc bạch tâm tư, nguyện vọng và tình cảm như người bạn, người anh của bộ đội. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 309 luôn quan tâm bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ trung đội trưởng, nhất là năng lực nắm bắt, giải quyết tư tưởng; tạo mọi thuận lợi để cán bộ trung đội cống hiến và trưởng thành”.
(còn nữa)
TẤN TUÂN - HOÀNG THÀNH - VŨ DUY - ĐÀO LÂM