Những kinh nghiệm từ công tác huấn luyện và tổ chức hội thao chiến sĩ mới tại Sư đoàn 316 là mô hình tiêu biểu của Quân khu 2.

Tổ chức huấn luyện bài bản, sát thực tiễn

Với chiến sĩ mới được tiếp nhận đến từ các tỉnh trong địa bàn Quân khu phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức không đồng đều, Sư đoàn 316 xác định đây vừa là thách thức, vừa là động lực đổi mới huấn luyện. Trung tá Ngô Tiến Trung, Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 316 cho biết: “Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về huấn luyện CSM, bám sát Nghị quyết 1659-NQ/QUTW và yêu cầu đột phá của Quân khu. Điểm nhấn là kiện toàn khung cán bộ huấn luyện, phát huy vai trò của cán bộ cấp phân đội - lực lượng trực tiếp quyết định chất lượng huấn luyện”.

Theo đó, các đơn vị sớm ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể, giao chỉ tiêu, yêu cầu trách nhiệm gắn huấn luyện với bình xét thi đua, đánh giá chất lượng cán bộ cuối năm. Mô hình “Cán bộ 3 cùng, 2 trước, 2 sau” được triển khai rộng rãi, phát huy hiệu quả rõ nét trong việc gắn kết giữa cán bộ và chiến sĩ mới. Cán bộ không chỉ dạy lý thuyết, mà còn làm mẫu, rèn động tác thực hành, uốn nắn từng động tác, rèn nếp sống quân sự khoa học, nền nếp chính quy.

Đại úy Nguyễn Hữu Mạnh, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 chia sẻ: “Chúng tôi xác định giáo dục CSM không chỉ là huấn luyện quân sự, mà còn là huấn luyện con người. Phải kết hợp giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức với huấn luyện kỹ năng. Mỗi cán bộ phải hiểu rõ từng chiến sĩ để lựa cách rèn phù hợp. Những chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm sâu sát hơn”.

Kết thúc đợt huấn luyện, kết quả kiểm tra các nội dung “3 tiếng nổ” đạt cao: Bắn súng AK bài 1 có 66,3% khá giỏi; ném lựu đạn bài 1 đạt 88,8%; đánh thuốc nổ bài 1 đạt 98,5%. Các đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí và trang bị kỹ thuật.

Tổ chức hội thao sát thực, hiệu quả, là đòn bẩy thúc đẩy thi đua

Một trong những kinh nghiệm nổi bật của Sư đoàn 316 là tổ chức Hội thao chiến sĩ mới gắn chặt với chương trình huấn luyện, vừa kiểm tra chất lượng thực chất, vừa tạo khí thế thi đua sôi nổi, rèn bản lĩnh, củng cố tinh thần tập thể.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316: “Chúng tôi xác định Hội thao CSM không phải chỉ để chọn đội tuyển, mà là hình thức tổng hợp đánh giá toàn diện kết quả huấn luyện, là dịp để các đơn vị học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Công tác chuẩn bị được tổ chức chu đáo từ cấp phân đội đến sư đoàn. Mọi thao trường, học cụ, vũ khí trang bị, lịch điều hành đều được xây dựng chi tiết từ đầu năm, kiểm tra theo tuần, bảo đảm đúng chuẩn Quân khu”.

Hội thao được tổ chức thành nhiều cấp, bắt đầu từ tiểu đội, trung đội, đại đội, trung đoàn, kết thúc bằng Hội thao cấp Sư đoàn. Nội dung thi đấu toàn diện theo chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, bao gồm: Bắn súng, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, võ thể dục, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, hành quân vũ trang, thi nhận thức chính trị, điều lệnh đội ngũ…

Điểm nổi bật là phương pháp tổ chức thi lồng ghép rèn luyện thể lực và kỹ năng chiến đấu trong điều kiện gần thực tế chiến đấu. Các đơn vị thi đấu theo cụm, có hội đồng giám khảo công tâm, có lực lượng dự bị tham gia động viên, cổ vũ. Không khí hội thao vừa khẩn trương, nghiêm túc, vừa thi đua sôi nổi, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn Sư đoàn.

Kinh nghiệm trong điều hành, tổ chức và bảo đảm hội thao

Tổ chức hội thao thành công đòi hỏi điều hành khoa học, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị. Kinh nghiệm từ Sư đoàn 316 cho thấy cần xây dựng sớm hệ thống văn kiện chỉ đạo, phân công lực lượng cụ thể, tập huấn giám khảo, xây dựng kế hoạch dự phòng và đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn.

Năm 2025, các đơn vị trong Sư đoàn bảo đảm từ 25.000 đến 50.000 mô hình học cụ, vật chất huấn luyện; thao trường được gia cố, sắp xếp hợp lý theo từng nội dung; hệ thống biển bảng, vạch chuẩn được chuẩn hóa. Công tác quân y - hậu cần được tổ chức theo cụm, sẵn sàng cơ động xử lý sự cố. Các chế độ ăn, nghỉ, nước uống, nước tắm… được chuẩn bị đầy đủ.

Trung tá Ngô Tiến Trung nhấn mạnh: “Một điểm quan trọng trong tổ chức hội thao là tạo tinh thần chủ động, hào hứng cho bộ đội. Các đợt sinh hoạt chính trị, phát động thi đua trước hội thao đều chú trọng khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến. Trong hội thao, không để xảy ra tiêu cực, không lấy thành tích làm mục tiêu, mà lấy chất lượng thực chất, rèn luyện bản lĩnh làm thước đo”.

Qua Hội thao, Sư đoàn rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện công tác huấn luyện, đặc biệt là đối với chiến sĩ mới - lực lượng kế cận trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Có thể khẳng định, những kinh nghiệm từ công tác huấn luyện và tổ chức hội thao CSM tại Sư đoàn 316 không chỉ là mô hình tiêu biểu của Quân khu 2, mà còn là bài học tham khảo thiết thực cho các đơn vị toàn quân.

Trong giai đoạn tới, Sư đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ huấn luyện, đổi mới phương pháp giáo dục bộ đội, tăng cường ứng dụng công nghệ, mô hình mô phỏng; đồng thời quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng môi trường chính quy, dân chủ, nhân văn để mỗi chiến sĩ mới được rèn luyện toàn diện, trưởng thành trong chính đơn vị của mình.

Bài, ảnh: CAO XUÂN PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.