Từ tinh thần “7 dám”, theo tôi cần đặc biệt quan tâm khơi dậy khát vọng “dám nghĩ, dám làm” cho đội ngũ cán bộ trước những đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ Quân đội và đơn vị hiện nay.

Khát vọng “dám nghĩ, dám làm” đem đến cho mỗi người mục đích sống cao đẹp hơn, trở thành động lực giúp ta vượt qua khó khăn. Đồng thời, nó cũng nâng ta lên khỏi những cái tầm thường, vươn tới cái cao cả, thuần khiết hơn, trở thành nền tảng quan trọng để vững bước trên con đường chúng ta đã lựa chọn.

Đại tá Trần Văn Dũng, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, Học viện Lục quân.

Khát vọng “dám nghĩ, dám làm” thể hiện bản lĩnh, tài năng, trí tuệ, đạo đức của người cán bộ. Người cán bộ Quân đội dù ở cương vị công tác nào, thực hiện nhiệm vụ gì, cũng luôn phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi phải làm gì? Làm như thế nào? Để xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn. Khi người cán bộ dám nghĩ đến những điều lớn lao, tốt đẹp, dám làm những việc mà vì lợi ích chung thì người cán bộ đó luôn được sự kính trọng, tin yêu của đồng chí, đồng đội.

Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khát vọng nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Và Người đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Một mình Bác, không người thân, không tiền bạc, nhưng Bác dám đi, dám vượt lên trên chính bản thân mình vì mục đích cao cả đó.

Trước tình hình, yêu cầu xây dựng Quân đội, những tác động nhiều chiều của cuộc sống, xã hội, đôi khi chúng ta phải đối mặt với suy nghĩ và việc làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội. Hơn lúc nào hết, việc khơi dậy khát vọng “dám nghĩ, dám làm” cho đội ngũ cán bộ Quân đội hiện nay là việc làm cần thiết. Mỗi cán bộ Quân đội dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải dám nghĩ, biết nghĩ, dám làm, biết làm những điều vì lợi ích chung góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh trong tình hình hiện nay.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG (ghi)